Thủy sản vào EU: Kỳ vọng thời đại hoàng kim
Tôm nhiều khả quan
Xuất khẩu tôm sang EU dự báo tăng thêm 4 – 6% trong năm nay. Tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức 20% xuống 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác được giảm theo lộ trình 3 – 5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Hiện tại, mức thuế GSP (chế độ thuế quan ưu đãi phổ cập) mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh là 7%. Việt Nam có lợi thế hơn so với 2 nước đối thủ là Thái Lan và Trung Quốc vì 2 nước này không được hưởng GSP của EU.
Theo VASEP, 5 tháng đầu, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 243,4 triệu USD, giảm 26,3% so cùng kỳ năm 2018. Thực tế xuất khẩu tôm chỉ tập trung vào một số nước đông dân như Anh, Đức, Hà Lan; do đó, EVFTA sẽ giúp tôm Việt Nam đến với nhiều thị trường khác của EU. Với lợi thế được cắt giảm thuế, tôm Việt Nam tăng sức cạnh tranh so với các sản phẩm từ nước khác cũng sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh ưu đãi về thuế, EVFTA còn mang lại cho các doanh nghiệp tôm của Việt Nam cơ hội tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với EU (Ấn Độ, Thái Lan). Chẳng hạn, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất để tăng cạnh tranh, vì có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ phục vụ sản xuất do Việt Nam cam kết mở cửa dịch vụ logistics, bảo hiểm, tài chính và dịch vụ phục vụ sản xuất khác…
Việc được tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực châu Âu sẽ giúp sản phẩm Việt Nam nhanh chóng lan tỏa khắp EU. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, EVFTA cũng đưa ra nhóm các nguyên tắc về điều kiện lao động như cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp… Để đẩy mạnh xuất khẩu, các trang trại và các doanh nghiệp cần phải phát triển lực lượng lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động của mình tốt hơn nữa.
Cá tra tăng mạnh trở lại
Tại thị trường EU, trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng tới 31,5% và đạt 105,2 triệu USD. Xuất khẩu sang Hà Lan tăng 12,2%; Anh tăng 59,4%; Đức tăng 61,6% và Bỉ tăng 63,8% so cùng kỳ năm trước. Giá cá tra xuất khẩu tại các nước EU tăng trung bình từ 2 – 2,6 USD/kg (năm 2016 – 2017) lên 2,8 – 3,5 USD/kg vào năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019 giá cá tra đạt 2,93 – 3,55 USD/kg. VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra trong năm 2019 sẽ đạt khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 12% so năm 2018, trong đó kỳ vọng vào thị trường EU.
Thị trường EU rất quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam, nhất là cá tra; trong đó, xuất khẩu cá tra vào châu Âu mang ý nghĩa sống còn. Mấu chốt của sản phẩm cá tra tại EU vẫn nằm ở vấn đề truyền thông. Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng cần tăng cường truyền thông tại EU, giúp sản phẩm cá tra cạnh tranh với các sản phẩm cá đánh bắt tại thị trường này.
Tiềm năng cá ngừ
EVFTA là tín hiệu vui cho ngành cá ngừ vốn đang trên đà phát triển. EU là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu thăn/fillet cá ngừ đông lạnh và cá ngừ đóng hộp vào các nước Đức, Italy và Tây Ban Nha.
Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang phải chịu mức thuế cao hơn 20,5%. EVFTA sẽ giúp xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/fillet cá ngừ đông lạnh mã HS0304) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đối với các sản phẩm thăn/fillet cá ngừ đông lạnh mã HS030487, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ bản 18%, ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với các sản phẩm thăn/fillet cá ngừ hấp (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp), EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%. Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp (như cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp…), EU sẽ miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.
Trong tháng 5, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt gần 12 triệu USD, tăng 6% so tháng 5/2018. Xuất khẩu sang Hà Lan tiếp tục tăng 107% trong tháng 5. Một chuyên gia xuất khẩu cá ngừ vào EU cho biết: “Vấn đề minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ đánh bắt cá ngừ sẽ giúp Việt Nam tạo dựng vị thế tại thị trường EU chứ không chỉ là vấn đề giá thành hay sản lượng”.
“Thẻ vàng” và thời cơ của Việt Nam
EVFTA cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam cần tuân thủ luật pháp cũng như văn hóa EU ở mức cao nhất trong đánh bắt chế biến xuất khẩu. Nếu thị trường Mỹ, sản phẩm Việt Nam thường gặp vấn đề về thuế thì tại EU, vấn đề lớn nhất luôn là truy xuất nguồn gốc. Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia thị trường châu Âu đều chung nhận xét: “Sản phẩm Việt Nam muốn chinh phục châu Âu cần phải có truy xuất nguồn gốc. Khách hàng châu Âu luôn quan tâm sản phẩm mình đang dùng được làm như thế nào và từ đâu?”.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong năm 2018 đạt trên 672 triệu USD, tăng 8,3% so năm 2017, riêng thị trường EU giảm 22% và những tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tại các thị trường đều tăng trưởng tốt, trừ thị trường EU. Đây được đánh giá là bất lợi của việc sản phẩm đánh bắt Việt Nam bị nhận “thẻ vàng” của EU, khiến các nhà nhập khẩu đi tìm nguồn nhập khẩu khác. Việc nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” sẽ là cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam tận dụng thời cơ và chinh phục được thị trường giàu tiềm năng là EU.
Nguyên Anh
>> Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề nghị, Chính phủ cần sớm nội luật hóa các quy định của EVFTA để “yểm trợ” cho các doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… Các doanh nghiệp trên cơ sở định hướng thị trường, cần tìm ngay bạn hàng chiến lược; tái cấu trúc năng lực sản xuất, công nghệ, quản trị để đáp ứng được yêu cầu mới, đồng thời xây dựng được hệ thống phòng ngừa rủi ro. |
Bình luận gần đây