Thủy sản và vấn đề An ninh lương thực
Hiện nay, tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới đang diễn ra sự chênh lệch khá mạnh mẽ về mặt kinh tế, giáo dục và công nghệ giữa các tầng lớp trong xã hội. Mexico là một trong những quốc gia như vậy. Tại Mexico, một bộ phận nhỏ người dân đang được tiếp xúc với nền giáo dục đẳng cấp quốc tế và được truy cập công nghệ hiện đại nhất hành tinh. Và người đàn ông giàu nhất thế giới trong nhiều năm liền chính là người Mexico. Nhưng ngay tại quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 14 trên thế giới này, có 52 triệu người dân đang sống trong cảnh nghèo đói (chiếm trên 46% dân số) và 23 triệu người thuộc diện “cận nghèo”. Nhiều người chưa được sử dụng điện và nhiều người dân mù chữ… Do đó, chính phủ Mexico đã phải phát động chiến dịch Chống lại đói nghèo.
Khoảng cách chênh lệch lớn cũng đang diễn ra trong ngành nuôi trồng thủy sản. Trong khi một số công ty có tất cả các nguồn lực, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng tốt, nhân viên có trình độ cao, thì những người khác có điều kiện rất hạn chế, thiếu nhân viên tay nghề cao, và ít nguồn lực có sẵn, trong đó có nước… Ở Mexico, miền Nam có nguồn nước dồi dào, miền Bắc thì khan hiếm nước nghiêm trọng. Vì vậy, tại đây phổ biến mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh trong các bể tròn. Nhưng mô hình nuôi này đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật cao, không phù hợp với đối tượng người nghèo.
Ảnh minh họa
Mặc dù đã xác định đúng con đường – phát triển nuôi trồng thủy sản để thoát nghèo và đảm bảo an ninh lương thực, nhưng chính phủ Mexico đã không hoàn toàn đúng khi chủ trương phát triển mô hình nuôi thâm canh/siêu thâm canh trong các bể tròn (và không xem xét, phát triển các loại hình nuôi trồng thủy sản khác, như: ao, lồng). Tại Mexico, tình trạng đói nghèo chủ yếu tập trung ở các vùng sâu vùng xa – nơi mà sự cố mất điện xảy ra thường xuyên và khó tiếp cận với các kỹ thuật viên có trình độ quản lí hệ thống thâm canh/siêu thâm canh. Trong khi nuôi thâm canh đòi hỏi phải chạy máy sục khí 24/24 giờ và phải sử dụng thức ăn công nghiệp – loại thức ăn vừa hiếm vừa đắt tại những nơi xa xôi như thế. Vì vậy, dự án xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực dường như đang đi vào ngõ cụt.
Thủy sản – cứu cánh cho vấn đề An ninh lương thực
Theo các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Thế giới, để ngành thủy sản có thể đóng góp nhiều hơn, giúp đảm bảo an ninh lương thực, thì các tập thể/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản không nên đi theo một con đường duy nhất, mà phải phát huy thế mạnh của nhiều loại hình nuôi trồng thủy sản tiên tiến trên thế giới. Trong đó, có thể kể đến mô hình nuôi trồng bằng ao (không sử dụng máy sục khí) và mô hình nuôi thủy sản trong lồng. Cả hai loại hình này đều không phụ thuộc vào điện năng, đem lại hiệu quả kinh tế và cung cấp lượng thủy sản lớn làm thực phẩm cho con người.
Nhuyễn thể được các nhà khoa học xác định là đối tượng nuôi tuyệt vời, giúp giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, nhất là những loài có chi phí đầu vào thấp, như: nghêu, sò, ốc, trai… Tại các vùng duyên hải (cách xa trung tâm/khu vực kinh tế phát triển), đây có thể coi là cơ hội cho người dân thoát nghèo. Về phía chính quyền và các đơn vị chức năng, sẽ phải tiếp tục nghiên cứu cách sử dụng hiệu quả nguồn nước, lựa chọn đối tượng thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao (phù hợp với điều kiện tự nhiên – xã hội từng vùng, tối ưu hóa các hệ thống nuôi trồng thủy sản) và nghiên cứu các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực từ thủy sản. Nhưng trước tiên, sẽ nghiên cứu để áp dụng các công nghệ nuôi nhuyễn thể, thích ứng với điều kiện phát triển tại địa phương, giảm thiểu chi phí đầu vào – nhất là chi phí cho thức ăn nuôi thủy sản.
Việc tập huấn cho ngư dân các kỹ thuật nuôi (từ cơ bản tới chuyên sâu) là rất cần thiết. Trong thời gian đầu, khi người dân áp dụng các kỹ thuật nuôi này, phải giám sát nghiêm ngặt để nhanh chóng phát hiện những “dấu hiệu” không phù hợp, kịp thời lựa chọn giải pháp thay thế. Chỉ như vậy, mục tiêu phát triển thủy sản để đảm bảo an ninh lương thực mới đạt được thành công. Tóm lại, theo Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Thế giới, bước đầu tiên sẽ là: Chọn công nghệ phù hợp cho từng dự án nuôi trồng thủy sản; Để từng bước xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực, không nên sử dụng các mô hình thâm canh hoặc mô hình nuôi trồng thủy sản phụ thuộc năng lượng điện và việc sục khí. Hai là, cần tập trung đầu tư nghiên cứu với mục tiêu cụ thể: đảm bảo an ninh lương thực; Phát triển kỹ thuật với tình hình sản xuất thực tế. Ba là, chú trọng đầu tư nhân lực; Chuyên nghiệp hóa ngành công nghiệp cung cấp dịch vụ khuyến nông phù hợp.
Nếu thực hiện tốt 03 việc trên cùng với những chính sách hoạch định tốt (bám sát thực tiễn sản xuất), nhất định nạn đói sẽ bị đẩy lùi. Theo Tiến sĩ Antonio Garza de yta, mỗi nỗ lực của từng cá nhân (hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản) sẽ giúp 1/3 dân số thế giới có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bình luận gần đây