Thủy sản Bình Định bứt phá nhờ ứng dụng công nghệ
Công nghệ giúp tăng năng suất
Chất lượng giống là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của hoạt động nuôi trồng thủy sản. Đối với sản xuất tôm giống, các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước, công nghệ men vi sinh, công nghệ PCR chẩn đoán chính xác mầm bệnh trên tôm ở mức độ gen (DNA/RNA) và ứng dụng máy đếm Postlarvae (tôm giống) tự động dùng để kiểm tra và đánh giá nhanh về số lượng, kích cỡ (chiều dài), độ phân đàn…. Trong sản xuất giống cá nước ngọt đã ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá rô phi toàn đực bằng hormone 17α – Methyltestosterone, đã sản xuất tại chỗ con giống có chất lượng, giá thành hạ, tỷ lệ cá đực giống được sản xuất đạt 95%.
Ao nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi – Bioflo. Ảnh: Ngọc Tùng
Về nuôi trồng, ngành thủy sản tỉnh tiếp tục khuyến khích người dân đầu tư kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi ao hồ từ quảng canh cải tiến sang thâm canh, bán thâm canh; tuyên truyền, vận động người nuôi chọn giống ít nhiễm bệnh và hạn chế nuôi tôm sú, chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh đã áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hoặc bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Tất cả các hệ thống bơm điều khiển trong trại nuôi tôm thương phẩm; việc thu thập và giám sát dữ liệu nhiệt độ, độ mặn, pH của nguồn nước biển đầu vào; mô hình điều khiển quạt nước; việc thu thập dữ liệu chất lượng nước nuôi bằng các đầu dò cảm biến tự động trong quá trình nuôi tôm đều đã thực hiện bằng hình thức tự động hóa…
Đặc biệt, trong năm qua, Chi cục Thủy sản Bình Định phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bình Định, các địa phương ven biển xây dựng lộ trình chuyển đổi các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đủ điều kiện sang áp dụng công nghệ cao, tăng năng suất và thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó, năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai chuyển đổi tổng cộng 50 ha vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh sang áp dụng công nghệ Semi – Biofloc. Hiện, Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các điểm trình diễn ở Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn để người dân nắm bắt và học hỏi. Ngoài việc được hỗ trợ về kỹ thuật, người nuôi tôm ở tỉnh có thuận lợi lớn về nguồn giống từ các công ty chuyên sản xuất tôm giống hàng đầu ngay tại địa phương. Chuyển sang áp dụng công nghệ Semi – Biofloc, năng suất tôm cao hơn nhiều đồng thời cũng dễ kiểm soát, giám sát dịch bệnh.
Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 13.504,2 tấn, tăng 2% (+271,1 tấn); trong đó, sản lượng tôm nuôi 9.521,9 tấn (chiếm 70,5%), tăng 5,4% (+484,8 tấn).
Công nghệ Semi – Biofloc giúp tăng năng suất tôm nuôi. Ảnh: Ngọc Tùng
Khai thác ứng dụng công nghệ số
Ở lĩnh vực khai thác, Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số vào hướng dẫn truy xuất nguồn gốc đối với các tàu khai thác thủy sản ngoài khơi. Cụ thể, tỉnh vận động tất cả tàu cá có chiều dài 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, quản lý thông qua ứng dụng. Đồng thời, tiên phong thí điểm giám sát tàu cá vùng khơi bằng nhật ký điện tử, góp phần quản lý tốt các tàu khai thác trên biển, truy xuất được tọa độ và hành trình của mỗi chuyến biển.
Bên cạnh đó, ngư dân trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng đã tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản. Điển hình là ứng dụng vật liệu mới, có tính cách nhiệt tốt như Polyurethan để làm hầm bảo quản; áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến vào sản xuất như dùng thiết bị lạnh, bảo quản bằng công nghệ nano… Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 4.862 tàu thuyền hoạt động khai thác biển. Tổng lượng khai thác thủy sản năm 2023 ước đạt 273.208,6 tấn, tăng 3,2% (+8.392,2 tấn); trong đó, sản lượng khai thác biển 270.090,1 tấn (chiếm 98,9%), tăng 3,2% (+8.295 tấn) và sản lượng khai thác thủy sản nội địa 3.118,5 tấn (chiếm 1,1%), tăng 3,2% (+97,2 tấn) so cùng kỳ.
>> Năm 2024, thủy sản Bình Định đặt mục tiêu với tổng sản lượng thủy sản đạt 296.205 tấn. Ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai Kế hoạch chuyển đổi diện tích nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; Phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi tập trung thâm canh, bán thâm canh, tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất.
Nguyễn Hằng
Bình luận gần đây