Thủy sản 2021: Vượt thách thức, đón thời cơ
Nhiều bất cập
Từ khai thác
Nhìn lại năm 2019 – 2020 là thời điểm ngành thủy sản Việt Nam phải liên tiếp đối mặt với những khó khăn mới tác động từ biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 đã khiến cho tình hình sản xuất và xuất khẩu gặp nhiều trở ngại.
Về khai thác thủy sản, khó khăn lớn nhất chính là vấn đề gỡ “thẻ vàng”, nhưng trong 3 năm qua, mặc dù đã có sự nỗ lực rất lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng vẫn còn đó những khó khăn nhất định khi Việt Nam vẫn chưa lấy lại được “thẻ xanh”, việc xuất khẩu thủy sản vẫn chưa được hanh thông. Theo các chuyên gia, ngành hải sản có sự tham gia rất nhiều doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ đang bị vướng vào “thẻ vàng” IUU cho mục tiêu tăng trưởng.
Đại diện VASEP cho rằng, điều cần quan tâm hiện nay chính là vấn đề hậu cần nghề cá, hạ tầng nghề cá cần được đồng bộ và hiện đại hơn; bởi, hiện hầu hết các cảng cá, cơ sở hậu cần còn manh mún, yếu kém. Hy vọng Chính phủ có cam kết lộ trình rõ ràng để lấy lại “thẻ xanh”, đặc biệt trước cơ hội tận dụng EVFTA. Cùng đó là tập trung, quan tâm nhiều hơn cơ sở hạ tầng sau đánh bắt. Muốn phát triển bền vững nghề cá chắc chắn phải có hệ thống báo cáo, minh bạch thông tin.
Đến nuôi trồng
Với những sản phẩm chủ lực, ngành cá tra đã thực hiện chuỗi khép kín từ nuôi trồng đến chế biến theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ngành tôm cũng đang có xu hướng hoàn thiện quy trình khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; bên cạnh đó ngành khai thác biển cũng dần đi theo các tiêu chuẩn, quy định của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của các sản phầm này vẫn còn những bất lợi nhất là câu chuyện giá, khi chi phí sản xuất của Việt Nam còn khá cao, chất lượng sản phẩm lại chưa đồng đều, cùng đó, lại luôn tiềm ẩn những tác động khó lường từ dịch bệnh và ATTP.
Bất lợi từ thị trường
Đại dịch COVID-19 làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường, giảm tiêu thụ các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, tăng tiêu thụ tại các siêu thị, các kênh bán lẻ. Cùng đó, ảnh hưởng liên đới từ đại dịch khiến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có thủy sản đứt gãy. Có những giai đoạn (như từ tháng 3 đến tháng 5), sản phẩm nuôi như tôm và cá tra không xuất được, lượng tồn kho tăng nhưng hệ thống kho lạnh ở Việt Nam không đủ, thuê kho giá cao.
Biến động thị trường cũng tác động mạnh mẽ đến ngành thủy sản, khi mà Trung Quốc, một trong những thị trường trọng điểm của thủy sản Việt Nam không còn “dễ tính” nữa, việc tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu của nước này những tháng cuối năm 2020 đã minh chứng cho điều này. Cùng đó, hàng loạt các thị trường lớn đều đỏi hỏi phải nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm phải đạt chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc…
Có thể thấy, việc thiếu nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu, giá thành sản xuất các mặt hàng nuôi trồng chủ lực còn cao so với các quốc gia có mặt hàng cạnh tranh, thiếu lao động và khó khăn về nguồn nhân lực, không ít doanh nghiệp và chuỗi sản xuất bị suy yếu sau tác động nhiều tháng “đứt sản xuất, đứt dòng tiền, đứt khách hàng” của đại dịch COVID-19… là những thách thức nội tại của ngành thủy sản Việt Nam.
Vẫn còn cơ hội cho năm 2021
Để phát triển, ngành thủy sản phải hóa giải rất nhiều thách thức, khó khăn cả nội tại lẫn khách quan như đã đề cập ở trên; tuy nhiên, thủy sản vẫn là mặt hàng có được nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2021.
Trước hết, đó là lợi thế cạnh tranh từ những sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra. Xu thế cá tra tăng giá trị và sản lượng xuất khẩu đang nhen nhóm nhiều hy vọng lạc quan cho việc xuất khẩu cá tra trong năm 2021. Mới đây, Bộ NN&PTNT và VASEP cũng cho biết sẽ đẩy mạnh việc quảng bá giới thiệu về cá tra trên thị trường thế giới trong năm 2021 và xem hoạt động này là một trong những trọng tâm chính của năm 2021 và những năm tiếp theo. Còn với ngành hàng tôm, đây vốn được coi là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu thủy sản nhiều năm qua. Minh chứng, năm 2020, cả thế giới lao đao vì dịch bệnh, các cường quốc nuôi tôm cũng khốn đốn, nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn đứng vững và phát triển với kim ngạch dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so năm 2019. Việc chủ động, linh hoạt và nỗ lực trong xuất khẩu tôm đã giúp tạo ra môi trường nuôi trồng, chế biến tôm sôi động cũng như các vấn đề an sinh xã hội bảo đảm dù dịch COVID-19 xảy ra toàn cầu. Cùng đó, theo VASEP trong mục tiêu đưa xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng 10% với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 9,4 tỷ USD trong năm 2021 và đạt 12 tỷ USD vào năm 2025, dự báo có sự đóng góp quan trọng của xuất khẩu tôm.
Tiếp đó là những lợi thế có được từ các FTA. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, khi Hiệp định UKVFTA được ký kết sẽ cùng với Hiệp định EVFTA sẽ là “bệ phóng” cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bứt tốc trong năm 2021. Với UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10 – 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với EVFTA, triển vọng năm 2021, khi các mặt hàng xuất khẩu chính như cá tra, hải sản và tôm chế biến tiếp tục được giảm thuế thì xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU sẽ duy trì tăng trưởng tốt hơn những tháng cuối năm 2020. Ngoài EVFTA, CPTPP, các FTA khác với các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN đều đang có những tác động tốt đối với xuất khẩu của Việt Nam; góp phần nâng cao tính cạnh tranh của thủy sản Việt trên thị trường toàn cầu.
Các chuyên gia y tế thế giới đều nhận định diễn biến đại dịch COVID-19 vẫn khá phức tạp trong năm 2021. Mới đây, dịch bệnh lại bùng phát ở Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, hay những biến thể gây lo ngại tại Anh; dịch bệnh cũng đang hoành hành tại Mỹ, Ấn Độ… Song, thực tế thị trường năm 2020 đã cho thấy, tiêu thụ thủy, hải sản vẫn là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người. Theo dự báo của VASEP xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 10% đạt trên 9,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất: tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD, cá tra sẽ hồi phục với mức tăng 5%, đạt khoảng 1,6 tỷ USD, xuất khẩu các mặt hàng hải sản dự báo sẽ tăng 6%, đạt 3,4 tỷ USD.
>> Kế hoạch phát triển thủy sản năm 2021: Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2%; diện tích NTTS nội địa đạt 1,3 triệu ha (trong đó, nuôi tôm là 740.000 ha, cá tra 5.700 ha); tổng sản lượng thủy sản 8,5 triệu tấn (trong đó, khai thác 3,6 triệu tấn, nuôi trồng 4,9 triệu tấn); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD. |
Nguyễn Anh – An Chi
Bình luận gần đây