Thụy Điển: Quản lý hiệu quả sử dụng kháng sinh

Đánh bại kháng thuốc

Theo ông Jose Graziano da Silva, Tổng Giám đốc FAO kiêm Tổng thư ký đối ngoại nông nghiệp Thụy Điển, lạm dụng kháng sinh trong lĩnh vực trị bệnh cho người và trong sản xuất thực phẩm làm tăng mối nguy tiềm ẩn từ kháng thuốc (AMR). Các nhà khoa học Thụy Điển cũng liên tục cảnh báo việc lạm dụng kháng sinh sẽ phá hủy y học hiện đại vốn chủ yếu dựa vào các phương pháp điều trị bằng kháng sinh. Tháng 8/2015, ông Jose Graziano da Silva đã tới thăm Trường Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển tại Uppsala để trao đổi cách thức giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Chuyến đi thực tế của đại diện FAO tới Thụy Điển là một sự kiện quan trọng, góp phần đưa vấn đề AMR ra diễn đàn thế giới. Những năm tới, AMR sẽ thành vấn đề nóng, là tâm điểm của quá trình phát triển ngành nông nghiệp và an ninh lương thực bền vững.

Lo lắng về AMR đã được FAO và WHO đưa ra kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 68 tại Geneva xuân hè 2015. Tại hội nghị này, các chuyên gia đều bày tỏ quan tâm tới việc xây dựng hệ thống y tế mạnh và đánh bại sự kháng thuốc; bởi “kỷ nguyên hậu kháng sinh” được ví như những bóng ma có khả năng giết chết con người chỉ bằng những bệnh nhiễm trùng thông thường. Do đó, FAO và WHO đều đưa ra kết luận dựa trên những dữ liệu AMR, chỉ sử dụng kháng sinh trong trường hợp đặc biệt cần thiết.

sử dụng kháng sinh tại thụy điển

Lượng kháng sinh đã sử dụng trong NTTS ở một số nước – đơn vị g.a.i-tấn sản phẩm thu hoạch – Nguồn: FAO 2012

Hai tổ chức này cũng đưa ra chương trình tiêu chuẩn thực phẩm, yêu cầu các nước thành viên phải phát triển kế hoạch hành động quốc gia tới năm 2017 để chống lại AMR. Điểm mấu chốt trong chiến dịch chống lại AMR là tăng cường ngăn chặn và nâng cao ý thức giữ vệ sinh vì những vật nuôi khỏe mạnh trong các cơ sở nuôi an toàn, sạch bệnh không cần kháng sinh. Do đó, việc xây dựng một hệ thống quản lý kèm kênh truyền thông và vòng phản hồi hiệu quả giữa nhà sản xuất, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò cần thiết. Điều này không chỉ giúp hỗ trợ thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững mà còn giúp cải thiện hậu cần, xóa bỏ lây nhiễm chéo.

 

Sử dụng hiệu quả

Thụy Điển là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thấp nhất thế giới. Những nhà quản lý ngành nông nghiệp tại quốc gia này thường xuyên có những cuộc họp bàn, thuyết trình trước công chúng hoặc tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất tư nhân báo cáo hoạt động; đồng thời tạo áp lực để những cơ sở sản xuất giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc và thủy sản. Quốc gia này cũng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm điều tiết sử dụng kháng sinh theo hướng tiếp cận sức khỏe động vật và con người; đấu tranh chống lại AMR không chỉ bằng lý thuyết, mà còn bằng hành động thực tế.

Theo các nhà khoa học Thụy Điển, cần phải nhận thức được những xung đột lợi ích và mối liên kết giữa vật nuôi, nông dân, người tiêu dùng, bác sĩ và môi trường. Do đó, cần phải tạo ra hệ thống sản xuất cường tráng và chia sẻ kiến thức về những kinh nghiệm sản xuất thực phẩm không cần kháng sinh. Ulf Magnusson, giáo sư Khoa Sinh sản động vật tại Trường Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển chia sẻ, kháng sinh được ví như một thứ công cụ quyền lực trong hộp dụng cụ của chúng ta, chúng ta không cần phải phá hủy mà hãy tìm cách chế ngự nó.

Dễ thấy, việc sử dụng kháng sinh ở những quốc gia có thu nhập thấp thường tạo một động lực kinh tế, từ đó đã hình thành những mối hiểm họa khôn lường cho ngành sản xuất thực phẩm. Quản lý tốt việc sử dụng kháng sinh phụ thuộc nhiều vào luật pháp, chế tài và hệ thống chính trị. FAO sẽ xây dựng những chiến lược dựa trên cách tiếp cận mang tính khoa học được tạo động lực từ người tiêu dùng trên toàn thế giới. FAO tại Thụy Điển cũng kiên quyết giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi gia súc và thủy sản, nhưng cần sự đồng tâm hiệp lực của toàn thế giới.

>> TS Scott Newman, Điều phối viên Kỹ thuật cao cấp FAO tại Việt Nam cho biết, FAO rất quan tâm giúp Việt Nam xác định các ưu tiên và lĩnh vực chính cần phải cân nhắc khi xây dựng Kế hoạch hành động nhằm sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc kháng sinh và chất kháng sinh. Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam học hỏi từ các nước có nhiều kinh nghiệm, sau đó áp dụng các ý kiến chuyên gia cho phù hợp với thực tế Việt Nam.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *