Thương hiệu tôm Việt Nam
Để được kết quả đề ra, tại Hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2023 ở tỉnh Sóc Trăng ngày 3/3/2023, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, phải tập trung nâng cao chất lượng. Gồm ứng dụng khoa học công nghệ và nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC…; tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tất cả nhằm xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam để được người tiêu dùng tin tưởng, phát triển ngành tôm bền vững.
Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS ngày 30/8/2018 của Bộ NN&PTNT về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 đã nêu mục tiêu, năm 2025 xuất khẩu trên 8,4 tỷ USD và năm 2030 trên 12 tỷ USD. Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, từ năm 2023 đòi hỏi ngành tôm phải có nhiều nỗ lực trong xây dựng vùng nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu các thị trường.
Ngành tôm phải chuyển đổi mạnh theo cơ chế thị trường, sản phẩm cần có thương hiệu. Ảnh: Chúc Ly
Ngành tôm phải chuyển đổi mạnh theo cơ chế thị trường, sản phẩm cần có thương hiệu. Sản xuất lớn để truy xuất nguồn gốc, thoát khỏi “lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nói.
Vì manh mún, nhỏ lẻ, tự phát nên tôm Việt Nam tuy có nhiều ưu thế ở các thị trường nhưng đang đối diện nhiều thách thức, lớn nhất là thách thức về truy xuất nguồn gốc để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng đòi hỏi sự minh bạch, không chỉ truy xuất ao nuôi mà cả chuỗi cung ứng (từ con giống, thức ăn, chế biến đến vận chuyển), trong khi việc đánh mã số cơ sở nuôi tôm của nước ta vẫn trì trệ.
Có niềm tin của người tiêu dùng và nhãn hiệu sẽ làm nên thương hiệu tôm Việt Nam. Để xây dựng thương hiệu cần xây dựng hệ sinh thái của ngành tôm, có thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu của hợp tác xã, thương hiệu của người nông dân tiến tới thương hiệu chung cho mặt hàng tôm.
Muốn thoát manh mún, nhỏ lẻ cần tích tụ và tập trung đất đai để có những vùng nuôi tôm rộng hàng trăm, hàng nghìn ha. Bên cạnh liên kết cũng cần thiết sửa đổi Luật Đất đai. Giữa năm 2022, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị: “Sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động cao hơn cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn”. Đầu năm nay, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra lấy ý kiến toàn dân đã quan tâm vấn đề này, mở hướng tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất phát triển. Phát triển thị trường đất đai như thị trường quyền tài sản, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, tạo chính sách đột phá cho sản xuất lớn.
Đến nay, nước ta đã tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với gần 60 nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 15 FTA đã ký kết và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA có các cam kết về phát triển bền vững, đó là phát triển mang lại thu nhập nhưng phải bảo đảm sức khỏe cho người dân, phát triển hôm nay phải nghĩ đến tương lai con cháu. Đây cũng chính là xu thế phát triển xanh mà ngành tôm phải nỗ lực phấn đấu, thể hiện có trách nhiệm với môi trường, với tương lai để khai thác được những lợi thế từ các FTA.
Tăng trưởng “xanh” ở nước ta là chuyển từ tăng trưởng “nâu” hiện nay. Tăng trưởng “xanh” là phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Ngày 19/3/2023, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm WB và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức diễn đàn “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên cấp cao, phát biểu nhấn mạnh, tăng trưởng phải bền vững, tiến bộ, đảm bảo công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Đó cũng là phương hướng bao trùm quá trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.
Sáu Nghệ
Bình luận gần đây