Thương hiệu không thể đi tắt

Thị trường toàn cầu, trách nhiệm cam kết cũng ở phạm vi toàn cầu và không ngừng nâng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Muốn làm ăn lâu dài phải cam kết lâu dài. Rõ ràng, ở đó không có chỗ cho lối làm ăn chụp giựt, ma mãnh luồn lách, thiếu trách nhiệm với xã hội và cả môi trường thiên nhiên.

Theo các chuyên gia, con đường phát triển của doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể coi là con đường xây dựng thương hiệu ở Việt Nam, cần trải qua bốn giai đoạn. Đầu tiên là len lỏi để có chỗ đứng trên thương trường, mục đích của giai đoạn này là kiếm tiền. Giai đoạn thứ hai, đầu cơ để nhanh giàu, trở nên đủ mạnh. Giai đoạn thứ ba, sáng tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Giai đoạn thứ tư, kinh doanh vì cộng đồng, có trách nhiệm xã hội để được tin cậy, yêu mến mà phát triển.

Nếu lấy đó soi xét, có thể thấy hầu hết doanh nghiệp thủy sản trong thời gian qua, mới ở giai đoạn một và hai, vài doanh nghiệp cố gắng vươn tới giai đoạn thứ tư nhưng lại bỏ qua giai đoạn thứ ba. Tổng cục Thủy sản đã chỉ ra, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của nước ta chủ yếu là sơ chế; như cá tra mới có chưa đầy 1% sản phẩm giá trị gia tăng. Chưa có sản phẩm hàm lượng sáng tạo cao mà muốn vươn tới giai đoạn cao hơn là thất bại.

Xây dựng thương hiệu không thể đi tắt! Cũng như xây dựng thương hiệu không thể thành công nếu cứ quẩn quanh ở giai đoạn một và hai.

Để xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, vai trò của quản lý nhà nước rất quan trọng. Không phải nhà nước ban phát cho doanh nghiệp cục tiền mà nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp bằng môi trường kinh doanh minh bạch, chính sách rõ ràng, ổn định. Để có thương hiệu sản phẩm quốc gia thì chính sách còn phải ưu tiên sản xuất. Lãi suất cho vay nuôi trồng và chế biến thủy sản phải ưu đãi hơn thương mại hoặc địa ốc. Thuế má cũng vậy, phải ưu tiên sản xuất, ưu tiên cho việc tạo ra hàng hóa. Khi nhà nước bỏ ra mấy chục nghìn tỷ đồng cho địa ốc thì nuôi trồng và chế biến thủy sản cũng cần được ít nhất như vậy để vượt qua khó khăn hiện nay.

Mới đây, Bộ NN&PTNT có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, trong đó thủy sản được chú trọng “tạo đột phá”. Địa bàn ưu tiên là ĐBSCL và các tỉnh ven biển Trung bộ, đầu tư hạ tầng, dịch vụ thủy sản và nghề cá. Về chế biến, chủ trương giảm sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng sản phẩm ăn liền. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã quán triệt: “Dành đầu tư cho khoa học, công nghệ, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng; đầu tư cho quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Hy vọng, qua đó nhiều thương hiệu thủy sản Việt Nam sẽ tỏa sáng.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *