Thuế chồng thuế, tôm hẹp đường bơi

Tai bay vạ gió…

Theo phán quyết sơ bộ của DOC về việc áp thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm, đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam công bố ngày 29/5, thuế suất áp dụng cho mọi công ty xuất khẩu tôm sang Mỹ là 6,07%. Riêng Công ty Thủy sản Minh Quý (một công ty con của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) và Công ty Nha Trang Seafoods sẽ bị áp thuế lần lượt 5,08% và 7,05%. Như vậy, tôm xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải gánh cùng lúc hai loại thuế: chống bán phá giá và chống trợ cấp.

DOC đưa ra phán quyết này do nghe thông tin một chiều về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp tôm. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mới đây, nhiều ngân hàng thương mại trong nước loan tin Nhà nước chủ trương hỗ trợ lãi suất 10% cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, trong khi, doanh nghiệp trước nay vay ở các ngân hàng thương mại chỉ với mức lãi suất tối đa 6 – 7%. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Chính phủ công bố chủ trương ưu đãi lãi suất 10% cho doanh nghiệp, trong khi họ vẫn đang vay với lãi suất thấp hơn nhiều?

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ gặp khó – Ảnh: Huy Hùng

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ rất khó phản biện cáo buộc của DOC, vì hàng loạt vấn đề về chủ trương, chính sách trợ cấp cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu đều được công bố với thế giới, dù thực tế không phải vậy. “Lâu nay, doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và không nhận bất kỳ sự trợ cấp nào từ nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” – ông Quang khẳng định.

Trong một thông cáo báo chí vừa phát, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng khẳng định, kết quả sơ bộ này là sự áp đặt bất công với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong lúc họ đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng không nhận được trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm nhiều năm qua.

 

Tháo gỡ cách nào?

Theo VASEP, phán quyết sơ bộ của DOC sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ, tác động đến các giao dịch, mua bán giữa hai nước hiện nay và sắp tới. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết: Quyết định của DOC sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 600.000 người Việt Nam, gồm nông dân nuôi tôm, công nhân sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Từ ngày 10 đến 16/6/2013, đại diện DOC đã sang Việt Nam thẩm tra doanh nghiệp (ở Hà Nội, Nha Trang, Cà Mau) để làm cơ sở đưa ra phán quyết cuối cùng về thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam (cuối tháng 8/2013). Điều đó có nghĩa, từ nay đến cuối tháng 8, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam buộc phải đóng một khoản tiền ký quỹ tương đối lớn, tạm tính theo mức thuế trợ cấp vừa được áp dụng.

Quyết định phi lý này từ DOC không thể chấp nhận. Tuy vậy, truy nguyên nhân dẫn đến sự “bất ổn” của các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu gần đây, chính chúng ta cũng nhìn nhận lại việc phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch cũng như phương thức làm ăn thiếu sự liên kết. Việc “mạnh ai nấy làm” không chỉ gây ra sự mất ổn định tại thị trường trong nước, mà còn tạo ra những “điểm yếu”, khiến các nước nhập khẩu có cớ để vin vào, ra các quyết định áp thuế bất hợp lý – thực chất là một hình thức bảo hộ sản phẩm trong nước.

Sự việc đã xảy ra, việc theo kiện đến cùng là điều mà VASEP cũng như các doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định. Tuy nhiên, để có thể giành chiến thắng, doanh nghiệp Việt Nam cần đoàn kết thành một khối để “tác chiến” chống kiện chứ không nên tự thuê luật sư riêng lẻ, thấy doanh nghiệp khác chịu thuế cao hơn thì mừng. Bên cạnh đó, sự minh bạch trong hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến là điều các hộ nuôi tôm cũng như doanh nghiệp xuất khẩu cần tuyệt tối tuân thủ. Đó chính là chìa khóa vạn năng mở cửa ra quốc tế mà không gặp rào cản thuế quan vô lý.

>> Luật sư Matthew McConkey – phụ trách bộ phận thương mại toàn cầu Công ty luật Mayer Brown tại châu Á, khuyến cáo: Với vụ kiện thuế chống trợ cấp của Mỹ, chỉ có cách tránh và giảm thiểu yêu cầu áp đặt thuế chống trợ cấp. Chẳng hạn, Chính phủ chỉ cần tuyên bố áp dụng “hỗ trợ” mọi ngành, không cụ thể ngành nào; các khoản trợ cấp phải được chi hết, không để sang năm sau. Ngoài ra, cần cân nhắc, giám sát các thông tin chính sách đưa lên Internet.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *