Thức ăn cho tôm – bền vững và hiệu quả
Những mối quan ngại
Nguồn thức ăn nuôi tôm nói riêng và thủy sản nói chung chủ yếu dựa vào bột cá với thành phần chính là các loại cá biển khơi. Tuy vậy, nguồn bột cá không vô tận vì sản lượng chỉ gần 5 triệu tấn/năm. Năm 2010, ngành thủy sản đã sử dụng 73% tổng sản lượng bột cá. Để hướng tới sự bền vững, chắc chắn ngành thủy sản buộc phải giảm tỷ lệ sử dụng bột cá.
Từ những ngày đầu tiên của cuộc Cách mạng xanh đã có nhiều mối quan ngại ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là cá biển và tôm “tiêu tốn” bột cá nhiều nhất. Theo tính toán của các chuyên gia, để sản xuất 1 kg tôm, người nuôi cần trung bình 5 kg cá để chế biến thức ăn, đồng nghĩa tỷ lệ FIFO (tỷ lệ sử dụng thức ăn từ cá biển để nuôi thủy sản) vượt 5. Sau hàng loạt nghiên cứu sâu về dinh dưỡng vật nuôi, nhiều nước nuôi tôm tiên tiến đều nhận thấy tầm quan trọng của việc giảm phụ thuộc vào bột cá. Bài toán đặt ra là phải tìm ra nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng tương tự hoặc vượt trội bột cá, đó có thể là nguồn năng lượng dễ tiêu hóa, axít amin và các vi chất dinh dưỡng khác.
Không phủ nhận, bột cá vẫn là nguồn protein hoàn hảo và dưỡng chất thiết yếu, dễ sử dụng. Do giá cao và sự cạnh tranh gay gắt để có nguồn cung, ý tưởng thay thế bột cá bằng những nguồn dinh dưỡng trên cạn (thực vật) đã nảy sinh và trở thành xu hướng phát triển suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự sẵn có và giá của các nguồn nguyên liệu thực vật cũng phụ thuộc vào yếu tố như nguồn nước, và sự cạnh tranh với nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của con người.
Nguồn: Thefishsite
Những sản phẩm phụ trong ngành chế biến động vật như bột gia cầm, bột huyết, bột lông vũ, bột thịt xương đang trở thành nguồn dinh dưỡng quan trọng và có giá trị với ngành NTTS. Thay vì khai thác cá ngoài khơi, các nhà sản xuất thức ăn thủy sản đã tăng cường sử dụng sản phẩm phụ trong ngành chế biến thủy hải sản, tuy tỷ lệ này mới chỉ ở mức 35%. Theo ước tính, chỉ có 20% tổng khối lượng sản phẩm phụ trong chế biến thủy sản, và sản lượng đánh bắt không mong muốn được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Một trong những thách thức lớn nhất là tìm cách gia tăng sử dụng sản phẩm phụ, “rác thải” trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trên toàn thế giới để chế biến thành nguồn TĂCN thủy sản có giá trị và bền vững.
Những nghiên cứu tốn kém
Trong bối cảnh nguy cấp vì thiếu thức ăn bền vững, những chuyên gia trong ngành tôm buộc phải tìm ra những giải pháp thức ăn thay thế. Australia đã nghiên cứu và sản xuất thành công nguồn thức ăn nuôi tôm không chứa bột cá. Sản phẩm thức ăn nuôi tôm cải tiến là thành quả 8 năm dày công nghiên cứu của tiến sĩ Richard Smullen và Tiến sĩ Matthew Briggs thuộc Công ty TNHH Ridley AgriProducts Pty – chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi hàng đầu tại Australia. Các chuyên gia này đã tận dụng sản phẩm phụ từ những loại cá chất lượng cao trong ngành chế biến thực phẩm như nguyên liệu chế biến tại xưởng đồ hộp, và phụ phẩm có chọn lọc tại chợ thủy sản Sydney. Sản phẩm này là một dạng hoạt chất sinh học từ thảo dược có tên NovacqTM – được đánh giá là một bước đột phá mới trong ngành thức ăn nuôi tôm và được chứng minh đạt hiệu quả tương tự, thậm chí tốt hơn bột cá. Thách thức kế tiếp là tìm ra nguồn thay thế dầu cá với thành phần giàu dưỡng chất dầu Omega 3 mạch dài (LC, > C20). Tuy nhiên, đây lại là một nhiệm vụ rất khó vì dưỡng chất omega 3 mạch dài có chất lượng tốt thường chỉ có trong môi trường đại dương. Nuôi các vi sinh vật biển có thể coi là một giải pháp khả thi, nhưng hãng sản xuất tại Australia vẫn chưa giải được bài toán chi phí sản xuất hiệu quả và vẫn đang cần những chiến lược nghiên cứu khoa học dài hơi và tốn kém.
Nguồn: Aquafeed
Viện Nghiên cứu dinh dưỡng và Thủy sản quốc gia Na Uy (NIFES) đang nghiên cứu cách tận dụng những nguồn thức ăn thay thế, ví dụ phụ phẩm ngành công nghiệp thực phẩm làm thức ăn nuôi cá. Các nhà khoa học cũng đã tính đến việc sử dụng tảo biển hay tảo bẹ làm thức ăn cho côn trùng, sau đó chế biến côn trùng thành thức ăn thủy sản. Theo cách này, côn trùng đóng vai trò là một cỗ máy chuyển hóa chất dinh dưỡng cho tôm cá. Nhiều nhà máy sản xuất côn trùng đã được xây dựng ở Hà Lan. Tại Mỹ, Nutrinsic – Công ty sản xuất protein bền vững hợp tác với hãng bia Mmiller Coors, tận dụng nước thải bia để chuyển hóa thành sản phẩm thức ăn mới có thương hiệu Nitrinsic ProFloc. ProFloc từng được đánh giá là nguồn protein siêu phẩm sánh ngang bột cá.
Người nông dân cần gì
Đôi khi, chi phí để thực hiện những nghiên cứu quy mô hết sức tốn kém. Đó là những chiến lược dài hơi, và thậm chí để tìm ra nguồn thức ăn thử nghiệm, các hãng sản xuất phải mất thời gian trên dưới 10 năm. Với người nông dân trực tiếp nuôi tôm, việc này vượt quá tầm với của họ. Do đó, ở một số nơi như Ấn Độ – một trong những cường quốc nuôi tôm, người nông dân sáng tạo vẫn tự tìm ra công thức sản xuất thức ăn nuôi tôm hiệu quả, ít tốn kém. Mới đây, Viện Nuôi thủy sản nước lợ Chennai Ấn Độ đã chế tạo thành công công thức thức ăn nuôi tôm “100% hàng nội địa” có thương hiệu Vannamei Plus. Điều đặc biệt, loại thức ăn này không những hiệu quả vượt trội mà chi phí sản xuất cũng thấp hơn rất nhiều so với các loại thức ăn thương mại khác, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 20%. Karuna Raju, một nông dân nuôi tôm ở Andhra đã đầu tư 15 triệu Rs để xây một nhà máy chế biến Vannamei Plus cho trang trại nuôi tôm rộng 50 ha của mình. Nhiều nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ cũng được hỗ trợ vay vốn để xây dựng xưởng sản xuất Vannamei Plus, tự phục vụ trại nuôi tôm. Tính bền vững của Vannamei Plus không được nhắc tới, song nhờ tiết kiệm được chi phí mà nó trở thành một sự lựa chọn mới cho các hộ nuôi tôm tại Ấn Độ.
>> Ngành nuôi tôm toàn thế giới vẫn không ngừng phát triển và mở rộng. Dù những nguồn thức ăn bền vững và có khả năng thay thế bột cá đã ra đời, nhưng chỉ khi nào giá bán ngang bằng, hoặc thấp hơn bột cá, nó mới có thể song hành với ngành công nghiệp nuôi tôm của nhiều nước trên thế giới. |
Bình luận gần đây