“Thời kỳ phục hưng” của ngành tôm Trung Quốc
Mô hình nhà kính chi phối các vùng nuôi
Ông Robin McIntosh, nhà điều hành cấp cao của Tập đoàn lớn mạnh Charoen Pokphand Foods đặt trụ sở tại Thái Lan, cho biết gần đây ông đã có dịp đi thực địa các trại tôm Trung Quốc, từ tỉnh Liêu Ninh ở phía bắc đến tỉnh Quảng Tây ở phía nam. Ông nhận thấy hầu hết các vùng nuôi đều nổi bật với hệ thống nhà kính. “Tôi nhìn thấy có đến 30.000 nhà kính nuôi tôm, một con số khổng lồ. Do đó tỷ lệ thành công của họ hẳn là rất cao”, ông McIntosh cho biết.
Nhà kính nuôi tôm tại Trung Quốc. Ảnh: Fish First
Trong mỗi nhà kính được lắp đặt các ao vèo lót bạt nhỏ với cấu trúc mái vòm được thay thế hằng năm. Kích thước các ao: 80 m dài x 40 m rộng, mực nước sâu 0,8 – 1 m. Mật độ nuôi của mỗi vèo khoảng 125-200 con/m2, mỗi vụ thu hoạch 750-1.000 kg/nhà kính, có khu vực đạt năng suất cao, thu hoạch được 1.500 kg. Kích cỡ thu hoạch của tôm khoảng 50-80 con/kg, tùy thuộc thời gian nuôi.
Ông McIntosh giải thích: “Các ao đều được lót bạt, có kênh hoặc cầu dẫn để người nuôi đi vào tiếp thức ăn. Nước trong ao được khử trùng bằng chlorine để loại bỏ ký sinh trùng EHP hoặc các mầm bệnh khác. Sau đó giữ nguyên nước đó trong ao nuôi, không thay đổi. Nhà kính được coi là tấm chắn ngăn chặn sự phát tán của các mầm bệnh giữa các ao nuôi thông qua sol khí và các nhân tố khác.
Hầu hết các vùng nuôi bằng nhà kính thu hoạch hai vụ/năm; trong khi các khu vực phía nam người nuôi quanh năm tất bật và thu hoạch ba vụ/năm. Theo Tiến sĩ Qiu, một đồng nghiệp của ông McIntosh tại CP Trung Quốc, cho biết nuôi tôm tại Trung Quốc có thể được chia thành bốn mô hình chính: (1) các ao đất truyền thống với sản lượng 100-1.000 kg/vụ; (2) các hệ thống nhà kính nhỏ kiểu mới với sản lượng 750-1.500 kg/vụ; (3) các ao nuôi mức độ cao lên tới 1.500-5.000 kg/vụ; và (4) mô hình quy mô công nghiệp từ 3.000-10.000 kg/vụ.
“Dạo gần đây mô hình nhà kính phát triển bùng nổ. Tại Trung Quốc có tổng cộng khoảng 300.000 các ao vèo cỡ nhỏ. Xuất phát từ tỉnh Giang Tô với 2.000 vèo, sau đó Quảng Đông xây dựng 50.000 vèo, Quảng Tây 20.000, Sơn Đông 20.000 và các vùng khác khoảng 10.000”, ông Qiu cho biết.
Theo tính toán của ông McIntosh, với khoảng 300.000 vèo đang hoạt động, sản lượng tôm trung bình mỗi năm đạt 600.000-800.000 tấn, cao hơn rất nhiều so với thu hoạch từ các ao truyền thống hoặc đa canh. Tuy nhiên ông cho biết đây chỉ là còn số nhẩm tính, không phải dữ liệu chính thức.
Nhà kính nuôi tôm tại Trung Quốc. Ảnh: Fish First
Những người nuôi tôm thông thái
Thành công của hệ thống nuôi tôm trong nhà kính không thể không kể đến thế hệ nông dân mới, với kỹ năng và trình độ cao. “Phải nói rằng, những người nuôi tôm Trung Quốc ngày nay khác biệt hoàn toàn so với thế hệ mà tôi gặp cách đây 10 năm. Các bạn trẻ có tầm hiểu biết cao hơn rất nhiều. Họ điều hành 5.000-6.000 vèo và có thiên hướng lãnh đạo các doanh nghiệp thương mại, chứ không phải những trại nuôi chỉ dựa vào phương pháp sản xuất cơ bản với tỷ lệ sống thấp. Họ có cách tiếp cận mới mẻ, kiến thức rộng mở, và đặt ra yêu cầu cao với trại nuôi của mình, như: chính sách không mầm bệnh. “Mỗi trại nuôi đều có PCR (ứng dụng kĩ thuật PCR trong chẩn đoán bệnh tôm), họ không thả nuôi khi các con giống chưa được chẩn đoán bệnh bằng PCR. Nếu một cơ sở cung cấp giống tôm bị nhiễm bệnh, cơ sở đó ngay lập tức sẽ bị đào thải”, ông McIntosh cho biết.
Ngoài ra, người nuôi tôm thế hệ trẻ đòi hỏi tôm có tốc độ lớn nhanh và thả nuôi quay vòng các loại tôm để đạt sản lượng tối đa. Thông thường, ở vụ thứ nhất khi vi khuẩn vibrio trong ao nuôi ở mức thấp, họ thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Sau đó, khi lượng vibrio cao dần và nhiệt độ tăng lên, họ chuyển sang nuôi tôm sú. Dữ liệu của Tongwei cho thấy 70-80% người nuôi tôm trong nhà kính thu lợi nhuận, số còn lại hòa vốn, một số ít thua lỗ. Thực tế, một trại nuôi đã đạt được sản lượng 1.930 kg trong vụ nuôi kéo dài 110 ngày, lợi nhuận thu về đạt 64.200 CNY (8.925 USD); lợi nhuận trung bình xấp xỉ 17.000 CNY/nhà kính/vụ nuôi.
An Vy (Theo Undercurrentnews)
Bình luận gần đây