Thị trường tôm thế giới năm 2012: Bức tranh ảm đạm
Bất ổn nguồn cung
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), năm 2012, sản lượng tôm thu hoạch ở nhiều nước giảm so với mục tiêu đặt ra. Cụ thể, sản lượng tôm Việt Nam chỉ đạt 476.400 tấn, giảm 3,9% so cùng kỳ năm 2011 do dịch bệnh. Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan, Somsak Paneetatyasai dự đoán, tổng sản lượng tôm năm 2012 của nước này đạt 540.000 tấn, giảm 10% so với 600.000 tấn năm 2011. Tại Trung Quốc, mùa đông đến sớm và dịch bệnh đã tác động tới sản lượng tôm nuôi của tỉnh Quảng Đông. Sản lượng tôm, chủ yếu tôm thẻ chân trắng (TTCT) của Trung Quốc năm nay giảm khoảng 8%. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Indonesia và Malaysia. Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đến nguồn cung TTCT của hai nước này.
Trong khi nhiều quốc gia sản xuất tôm thiệt hại nặng nề thì Ấn Độ lại được mùa TTCT. Điều này tác động tiêu cực đến giá tôm thị trường thế giới.
Nơm nớp lo rào cản
Nhật Bản là một trong những thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu thế giới, nhưng trong mấy năm gần đây xuất khẩu tôm sang Nhật luôn gặp khó vì vấp phải nhiều rào cản. Năm 2012, vướng mắc lớn nhất đối với các nước xuất khẩu tôm sang Nhật chính là việc nước này bất ngờ áp dụng hàm lượng Ethoxyquin ở mức 0,01 ppm. “Cơn bão” Ethoxyquin đã khiến ngành tôm Việt Nam, Ấn Độ, Philippines khốn đốn.
Không chỉ đối diện Ethoxyquin trên thị trường Nhật, mới đây tại thị trường Mỹ, Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ecuador, Ấn Độ, Trung Quốc, với lý do nghi ngờ tôm từ các nước này nhận trợ cấp không chính đáng từ Chính phủ. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra thì 7 nước kể trên sẽ đối diện nhiều khó khăn khi xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Năm 2012, sản lượng tôm thu hoạch của nhiều nước không đạt mục tiêu
Bấp bênh giá
Suốt năm, tuy giá tôm trên thị trường thế giới ở mức thấp nhưng vẫn không thể kích thích nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt tại hai thị trường lớn là Mỹ và EU. Giá cả có xu hướng tích cực hơn ở thị trường Nhật Bản, nhưng vẫn không đáng kể.
Giá TTCT tại các ao nuôi ở Thái Lan tháng 5/2012 giảm 20% so với tháng 5/2011 do ảnh hưởng của nguồn cung, nhưng đã tăng 2 – 3% trong tháng 7/2012 do sự can thiệp của Chính phủ và ngành chức năng nước này. Đầu tháng 5/2012, Chính phủ Thái Lan đã duyệt ngân sách 66,6 triệu USD để can thiệp thị trường, ngăn chặn sự sụt giá đột ngột của tôm nuôi. Khoảng 3,1 triệu USD đã được dùng để trợ cấp lãi suất cho các nhà chế biến thủy sản mua 30.000 tấn TTCT từ người dân với giá 4,4 USD/kg, cỡ 60 con/kg.
Nhu cầu thấp
Theo Cơ quan Quản lý nghề cá biển Quốc gia Mỹ (NMFS), lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ từ hầu hết các quốc gia sản xuất tôm lớn đều giảm trong 10 tháng đầu năm 2012, đạt 430.470 tấn, giảm 7,6% so với 465.783 tấn cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng lớn TTCT từ Ấn Độ đã ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ thị trường tôm Mỹ. Nguồn cung đến từ châu Á (Indonesia, Việt Nam, Thái Lan) có thể cảm nhận được những tác động này, đặc biệt Thái Lan đang dần mất thị phần tại Mỹ. Nhìn chung, từ cuối tháng 3 đến tháng 10/2012, giá bán buôn một số sản phẩm tôm có xu hướng tiêu cực do đồng USD mất giá. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng đối với nhiều nước trong bối cảnh nhu cầu tôm đông lạnh của Nhật giảm, khủng hoảng kinh tế ở khu vực đồng tiền chung châu Âu…
Tại EU, nhu cầu tiêu dùng giảm đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường tôm châu Âu. Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu khi chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 9/2012 ở mức thấp nhất trong 40 tháng qua. Nửa đầu năm 2012, nhập khẩu tôm vào EU giảm 11% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Tây Ban Nha – thị trường lớn nhất ở EU giảm khoảng 1/5. Nhiều khách hàng châu Âu tìm kiếm các nguồn cung rẻ hơn, như tôm sú Bangladesh, một số khác lựa chọn TTCT giá rẻ, chủ yếu từ Ấn Độ nên đã gây sức ép về giá đối với tôm sú.
Ở Nhật Bản, đầu năm 2012, nhu cầu tiêu thụ tôm thấp và chỉ phục hồi từ tháng 5 đến tháng 7/2012. Nhập khẩu tôm và các sản phẩm tôm tăng hơn so với năm ngoái, nhưng thiên về tôm nước lạnh từ Argentina, bởi giá tôm này khá hấp dẫn. Nhìn chung, mức tiêu thụ tôm trung bình ở Nhật tăng 5%.
Nhập khẩu tôm đông lạnh vào Trung Quốc cũng không mấy khả quan khi giảm 13,1% trong quý I/2012. Trong các nguồn cung chính, chỉ có Canada tăng 26%, còn lại đều giảm; nhập khẩu từ Malaysia giảm 20%, Ecuador giảm 33,3%, Thái Lan hầu như trì trệ.
>> Năm 2012, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tôm Thái Lan để tái chế biến. Hiệp hội Tôm miền Đông Thái Lan cho biết, 4 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu 2.860 tấn tôm từ Thái Lan, tăng 3 lần so với năm trước. |
Bình luận gần đây