Thị trường thủy sản toàn cầu: Tín hiệu lạc quan phía trước

Ngành tôm phục hồi 

Theo báo cáo mới của Rabobank, triển vọng sản xuất và kinh doanh ngành hàng thủy sản năm 2024 lạc quan hơn so với năm 2023. Sản xuất tôm toàn cầu dự báo hồi phục trở lại vào năm 2024, mặc dù sản lượng sẽ thấp hơn mức trung bình lịch sử 10 năm. Kết quả khảo sát của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) dự báo, sau khi giảm nhẹ 0,4% vào năm 2023, sản lượng tôm toàn cầu đạt tốc độ tăng trưởng 4,8% trong năm 2024, vượt mức đỉnh điểm của năm 2022. 

Tại Ecuador, tốc độ tăng trưởng sản lượng tôm dự báo chững lại vào năm 2024. Nguyên nhân, theo các chuyên gia trong ngành, do hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino tiếp tục diễn biến phức tạp, gây mưa lớn trên diện rộng, làm tăng nguy cơ lũ lụt và ảnh hưởng trực tiếp đến các trại nuôi tôm. Novel Sharma, chuyên gia phân tích ngành hàng thủy sản tại Rabobank cho biết, 50% diện tích nuôi tôm ở Ecuador nằm trong vùng nguy cơ lũ lụt, ước tính thiệt hại lên đến 110.000 ha. 

Những tín hiệu tích cực về sản xuất tôm tại châu Á được kỳ vọng thay đổi cục diện thị trường tôm toàn cầu năm tới. Theo GAA, sản lượng tôm châu Á có thể tăng 4% vào năm 2024 sau làn sóng khủng hoảng đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua. Sharma cho biết, quy mô phục hồi của ngành tôm châu Á sẽ phụ thuộc vào mức độ cải thiện giá bán của mặt hàng tôm trong năm tới, bởi trong suốt năm 2023, giá xuất khẩu tôm liên tục lao dốc khiến phần lớn người nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng nề. 

Tương tự, sản xuất tôm ở Ấn Độ và Việt Nam cũng dự kiến phục hồi vào năm 2024 sau một năm 2023 ảm đạm. Theo ông Willem van der Pijl, một chuyên gia tại Shrimp Insight, ngành tôm Ấn Độ và Việt Nam có đạt được mức tăng trưởng sản lượng kỳ vọng hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường Mỹ và châu Âu, cũng như mức độ phục hồi giá cả có đủ khuyến khích nông dân gia tăng sản xuất trở lại hay không. 

Sản xuất cá vây sôi động 

Sản xuất cá vây, chủ yếu là cá hồi, rô phi, cá tra, cá tráp, cá chẽm đều đón nhận tín hiệu lạc quan cùng kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp dự báo El Nino gây rủi ro tiềm ẩn với một số loài và vùng nuôi. Sản xuất cá hồi Atlantic trong quý III/2023 đạt bước ngoặt lớn sau hai năm liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng sản lượng chậm chạp. Theo dự báo của GAA, sản lượng cá hồi toàn cầu năm 2024 và 2025 lần lượt tăng 4,3% và 3,9%, dẫn đầu bởi Na Uy. 

Theo Gorjan Nikolik, nhà phân tích cấp cao tại Rabobank, động lực thúc đẩy tăng trưởng sản lượng cá hồi toàn cầu vẫn là Na Uy. Tuy vậy, tỷ lệ thu hoạch cá hồi Na Uy năm 2023 không như kỳ vọng do vấn đề dịch bệnh. Hiện, tình trạng rận biển đã giảm đáng kể, nhiều trại nuôi chấm dứt sử dụng hóa chất điều trị dịch bệnh. Đây cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy triển vọng tươi sáng của ngành sản xuất cá hồi Na Uy vào năm tới, với tốc độ tăng trưởng sản lượng dự kiến 2 – 3%. Ngoài Na Uy, Iceland, đảo Faroe và Australia sẽ là những “nhân tố mới và tích cực” trên thị trường cá hồi năm tới. Nikolik cho biết, Iceland mới gia nhập ngành sản xuất cá hồi, nhưng nắm trong tay nhiều lợi thế như vùng biển nước lạnh, ít rận biển, và gần thị trường Mỹ nên nhiều doanh nghiệp Iceland dễ dàng bán cá hồi tươi sang Mỹ. 

Do vướng trở ngại về quy định mới và sinh học và môi trường, sản lượng cá hồi Chilê trong năm 2024 khó vượt qua năm 2020. Ngoài ra, ngành cá hồi cũng đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn trong năm 2024, do nhiệt độ nước biển tăng cao hơn bởi El Nino và tảo độc nở hoa. Rất may, ngành cá hồi đã dày dặn kinh nghiệm ứng phó hiện tượng thời tiết cực đoan nhờ tiến bộ công nghệ. 

Trái với cá hồi, ngành rô phi trải qua nhiều thăng trầm hơn khi sản xuất gần như đóng băng vào năm 2020. GAA dự báo, sản lượng rô phi toàn cầu dự năm 2024 kiến tăng 5,3% so cùng kỳ, vượt sản lượng của năm 2019. Điểm sáng về sản xuất rô phi sẽ rơi vào khu vực châu Á, đặc biệt là Indonesia mặc dù Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu sản lượng trong thời gian tới. Nikolik cũng lưu ý, khu vực cận Sahara châu Phi sẽ là những vựa rô phi mới trên bản đồ NTTS toàn cầu. Không chỉ sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất cá rô phi, cận Sahara cũng là thị trường tiêu thụ tiềm năng. Các trại nuôi rô phi tại khu vực này đang tích cực đầu tư cải tiến di truyền và thức ăn chăn nuôi, tiến tới gia tăng sản lượng và dần thay thế cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Mặc dù sản xuất rô phi tại khu vực cận Sahara đang phát triển, nhưng quy mô và tốc độ tăng trưởng hiện vẫn nhỏ hơn nhiều so với Ai Cập, “vua cá rô phi” của châu Phi. Tuy nhiên, Nikolik dự báo, với lợi thế thị trường tiêu thụ khổng lồ và nguồn nước dồi dào, cận Sahara hoàn toàn có khả năng sánh ngang Ai Cập trong vài thập kỷ tới. 

Mối lo giá thị trường 

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực châu Âu trong tháng 9 đã giảm xuống 4,3% so cùng kỳ năm 2022, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 29/9. Những nút thắt trong chuỗi cung ứng và giá năng lượng đã giảm bớt khi cú sốc khí đốt sau chiến sự Nga – Ukraina giảm dần, nhưng lạm phát vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế. 

Kết quả khảo sát của GAA cho thấy, phần lớn chuyên gia thị trường thủy sản vẫn lo ngại yếu tố giá cả sẽ cản trở sự phục hồi của sản xuất. Giá thị trường là mối lo ngại lớn nhất do vẫn những bất ổn do lạm phát gây ra cho nền kinh tế toàn cầu vẫn dai dẳng và cản trở phục hồi nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủy sản. 

Tại nhiều thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, chi phí vẫn tiếp tục leo thang trong khi thu nhập của các hộ gia đình giậm chân tại chỗ khiến họ phải thắt chặt chi tiêu. Do đó, theo Willem van der Pijl, người tiêu dùng vẫn có xu hướng giảm bớt danh mục hải sản đắt tiền ra khỏi thực đơn hàng ngày hoặc lựa chọn các protein có giá cả thấp hơn. 

Mi Lan

(Tổng hợp)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *