Thị trường nhuyễn thể trước đại dịch

Vẹm

Năm ngoái, các giao dịch sản phẩm vẹm đi xuống do ảnh hưởng của COVID-19. Nhập khẩu trong năm 2020 đã giảm 15% so năm 2019. Hàng loạt nhà hàng bị đóng cửa đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhập khẩu vẹm của Pháp và Italia, 2 thị trường tiêu thụ chính. Pháp đã nhập khẩu khoảng 45.500 tấn vẹm trong năm 2020, giảm 21% so năm trước đó. Khối lượng nhập khẩu vẹm của Italia, thị trường chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, cũng giảm mạnh 35.400 tấn, tương ứng 31% so năm 2019.

Bất chấp khủng hoảng COVID-19 và nhiều trở ngại về giao nhận vận tải, Chilê tiếp tục trở thành nước xuất khẩu vẹm hàng đầu thế giới khi khối lượng xuất khẩu vẫn tăng mạnh. Năm ngoái, nước này đã xuất khẩu 88.000 tấn vẹm, tăng 14% so năm 2019. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đóng hộp tăng mạnh, nên xuất khẩu vẹm đông lạnh của Chilê sang Tây Ban Nha cũng tăng 20%, chủ yếu phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến vẹm đóng hộp và bán lẻ. Xuất khẩu vẹm của Chilê sang thị trường Mỹ năm 2020 cũng tăng 6% so năm trước.

Ngành công nghiệp vẹm của Pháp cũng bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt phong tỏa COVID-19 kéo dài khiến nhiều nhà hàng và khách sạn phải đóng cửa. Hiện, Pháp đang lên kế hoạch tái mở cửa nhà hàng từ ngày 15/5 trở đi, dựa vào mức độ thành công của chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ giảm, nhưng giá vẹm tươi sống tại Pháp vẫn duy trì ổn định ở mức 5 EUR/kg.

Hàu

Nhập khẩu hàu trong năm 2020 cũng giảm, nhưng thấp hơn so với vẹm. Tổng khối lượng nhập khẩu vẹm của toàn thế giới trong năm 2020 ước tính khoảng 55.000 tấn, giảm đáng kể so mức 65.000 tấn của năm 2019. Tuy nhiên Mỹ, thị trường dẫn đầu thế giới về nhập khẩu hàu, vẫn ổn định trong khi Pháp và Nhật Bản lại ghi nhận lượng nhập khẩu giảm mạnh. Các hãng sản xuất hàu tại Pháp bị tác động nghiêm trọng hơn khi các nhà hàng đóng cửa, buộc họ phải chuyển sang hình thức bán lẻ hoặc bán hàng mang về.

Sò điệp

Nguồn cung sò điệp vẫn đang khan hiếm tại thị trường Mỹ và giá tăng vọt từ cuối năm ngoái. Vụ khai thác mới đã bắt đầu vào ngày 1/4 và nguồn cung vẫn tiếp tục hạn chế, đặc biệt là các sản phẩm sò điệp cỡ lớn. Do đó, giá sản phẩm này đã chạm mức cao kỷ lục. Thông thường giá sò điệp tại thị trường Mỹ bắt đầu hạ nhiệt vào mùa xuân và các tháng mùa hè, nhưng năm nay thị trường lại diễn biến theo xu hướng hoàn toàn khác. Các chuyên gia dự báo nguồn cung vẫn tiếp tục xuống thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ ít nhất đến hết tháng 9/2021, trong khi đó giá sò điệp vẫn cao kỷ lục.

Trước tình trạng nguồn cung khan hiếm và giá liên tục tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sò điệp tại Mỹ vẫn không có dấu hiệu dừng lại khiến khối lượng nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng. Trong 2 tháng đầu năm 2021, Mỹ đã chi 39,5 triệu USD nhập khẩu sò điệp, tăng 30% so cùng kỳ năm 2020, tương đương khối lượng 3.500 tấn, tăng 1000 tấn. Giá nhập khẩu sò điệp trung bình đã giảm nhẹ còn 13 USD/kg, trong đó Trung Quốc là nguồn cung chính cho thị trường Mỹ, tiếp đến là Peru và Nhật Bản.

Ngao

Các giao dịch của sản phẩm ngao trên toàn thế giới giảm 10% trong năm 2020, đạt 265.500 tấn. Nhật Bản và Hàn Quốc – hai thị trường dẫn đầu thế giới về nhập khẩu sò điệp đều ghi nhận khối lượng nhập khẩu thấp hơn vào năm ngoái. Trung Quốc, cho đến nay vẫn là nước xuất khẩu sò điệp lớn nhất thế giới, cũng ghi nhận tỷ lệ xuất khẩu sụt giảm 20% so với năm 2019.

Triển vọng tích cực

Bất chấp đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường, triển vọng của các sản phẩm nhuyễn thể vẫn vẫn được nhìn nhận và đánh giá tích cực. Năm 2021 được kỳ vọng trở thành dấu mốc quan trọng cho sự phục hồi của sản xuất, thương mại và tiêu thụ nhuyễn thể nói chung. Theo dự báo của FAO, thị trường nhuyễn thể vẫn sẽ sôi động trong năm nay khi chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 được triển khai rộng rãi và chuỗi dịch vụ ẩm thực phục hồi trở lại. Giá sản phẩm này vẫn đang tăng và nhu cầu tiếp tục vượt nguồn cung.

Vũ Đức

Theo Market Insight

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *