Thị trường Halal: Cơ hội lớn cho nông sản Việt

Thị trường rộng lớn

Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được phép dùng”. Thuật ngữ này thường được dùng trong đời sống của người Hồi giáo để mô tả cái gì đó/điều gì đó là được phép ăn/uống/sử dụng hoặc thực hiện. Đối lập với Halal là Haram, nghĩa là “trái luật” hoặc “bị cấm”. Chứng nhận Halal là chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm/dịch vụ có trách nhiệm. Đây là quá trình xem xét đánh giá độc lập, khách quan để xác nhận/Công nhận rằng những sản phẩm/dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram và điều kiện sản xuất/cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn Halal.

Theo thống kê mới nhất, dân số thế giới có hơn 7 tỷ người, trong đó có khoảng 2,04 tỷ người Hồi giáo. Châu Á có người Hồi giáo nhiều nhất thế giới (khoảng 1,39 tỷ); tiếp theo là châu Phi với gần 600 triệu người, châu Âu hiện có khoảng hơn 56 triệu người, châu Mỹ có 8 triệu người; châu Đại Dương có khoảng 2 triệu người. Bên cạnh đó, có hàng triệu người tiêu dùng không phải người Hồi giáo đã và đang tiêu thụ các sản phẩm được chứng nhận Halal. Con số khổng lồ này là một bằng chứng cho thấy thị trường Halal rất rộng lớn và ngày càng phát triển.

Ảnh minh hoạ

Nghiên cứu của Cơ quan Thông tin Quốc tế Hồi giáo (IINA) thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo công bố cho thấy, quy mô của thị trường tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ toàn cầu tuân theo tiêu chuẩn Halal, bao gồm cả thực phẩm, ngân hàng, dược phẩm, mỹ phẩm, hậu cần và du lịch sẽ tăng từ 2.000 tỷ USD vào năm 2020 và sau đó là 10.000 tỷ USD vào năm 2030. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, động lực chính của sự phát triển thị trường Halal trên toàn cầu chính là sự gia tăng dân số người Hồi giáo trên thế giới, cộng với sự phát triển kinh tế của các quốc gia Hồi giáo; cùng đó, là nhu cầu sản phẩm Halal ngày càng tăng cao ở các thị trường mới như châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo nghiên cứu này, các nước châu Á tiêu thụ khoảng 63,3% từ thương mại Halal toàn cầu, các nước châu Phi khoảng 24%, trong khi các nước châu Âu tiêu thụ khoảng 10,2% và 2,5% ở các nước châu Mỹ. Thị trường Halal đang phát triển với tỷ lệ hàng năm là 17% và dự kiến sẽ vượt quá 2.000 tỷ USD vào năm 2018, tăng 1.100 tỷ USD so năm 2013.

Trong số các nước Hồi giáo, khu vực Trung Đông không đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước, do vậy, hầu hết các nước này phải nhập khẩu số lượng rất lớn mặt hàng lương thực, thực phẩm. Khu vực này đã nhập khẩu 80% hàng hóa lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm và dự báo đến năm 2035 sẽ tăng lên 70 tỷ USD.

Lợi thế của Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… Hơn nữa, Việt Nam có những lợi thế quan trọng khi tham gia vào thị trường sản phẩm Halal. Lãnh thổ Việt Nam gần những thị trường Halal tại châu Á. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia – quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, là một thị trường tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam. 

Hơn nữa, Việt Nam đang tích cực triển khai đề án phát triển quan hệ với các nước trong khu vực này giai đoạn 2016 – 2025, trong đó có việc thực hiện các Tuyên bố cấp cao của Việt Nam với một số đối tác quan trọng về hợp tác, thúc đẩy xuất, nhập khẩu và chứng nhận các sản phẩm Halal.

Đồng thời, Việt Nam hiện là một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, nằm ở giao điểm của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có một số FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và mới đây nhất là RCEP. Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường, kể cả các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như EU, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trong đó có các sản phẩm Halal.

Theo đánh giá của Trung tâm Halal Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu một số sản phẩm Halal nhưng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc cấp chứng nhận Halal và thiếu thống tin về thị trường, văn hóa kinh doanh, tiêu dùng. Mặt khác, sản phẩm được chứng nhận Halal chủ yếu nhằm mục đích xuất khẩu, chưa có tiêu chuẩn Halal của Việt Nam. Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang chủ trì xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN Sản phẩm Halal.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Với lợi thế là một nước xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 10 năm qua, Việt Nam có nhiều tiềm năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu. Ngành nông nghiệp luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để nhận thức được nhu cầu nhập khẩu cao của các thị trường Hồi giáo trên thế giới mang lại cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa như: lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản…”.

Bình An

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *