Thị phần dầu cá thế giới tiếp tục bị bỏ ngỏ
Theo các nguồn tin từ Peru, mùa khai thác cá cơm thứ hai của năm 2023 đã kết thúc vào cuối tháng 1/2024, nhưng sản lượng dầu cá thấp hơn 0,4-0,5%; thấp hơn so với dự kiến 1,5-2%; và thấp hơn mức trung bình 4,5-5%. Cũng vì lý do đó, giá dầu cá tại Peru tiếp tục tăng lên 11.500-12.000 USD/tấn (đối với loại giàu omega-3), và 7.000 USD/tấn (đối với loại dành cho chế biến thức ăn); tuy vậy nguồn cung trên thị trường không nhiều.
Nguồn cung dầu cá vẫn hết sức khan hiếm. Ảnh: bestbullysticks
Peru vốn là nguồn cung dầu cá và bột cá lớn nhất thế giới. Đứng trước bối cảnh giá dầu cá tăng cao cộng với nguồn hàng khan hiếm, cả người bán và người mua đều không dám ký hợp đồng mới. Cá cơm, thành phần chủ yếu sản xuất dầu cá omega, là “trụ cột” của ngành khai thác thủy sản tại Peru, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản lượng khai thác của thế giới và đóng góp 20-25% sản lượng bột cá toàn cầu.
Tuy nhiên, lệnh đóng cửa khai thác mùa thứ nhất (tháng 6/2023) và sản lượng cá cơm thấp trong mùa thứ hai (tháng 11/2023) đã khiến chuỗi cung ứng ngày càng trở nên căng thẳng; giá dầu cá cũng theo đó tăng vọt ngoài dự đoán. Tháng 11/2023, giá FOB đạt 9.200 USD/tấn, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Ấn Độ, giá dầu cá hiện vào khoảng 3.600 USD/tấn. Sản lượng bột cá và dầu cá ở quốc gia này cũng tăng cao trong hai năm gần đây, tuy vậy, dầu cá Ấn Độ không được cấp chứng chỉ, do đó không thể xuất khẩu sang châu Âu, mà chỉ có thể tiêu thụ trong nước hoặc tìm tới các thị trường châu Á, bao gồm Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ở bán đảo Scandinavia cũng đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống thị trường mà Peru bỏ ngỏ, bằng cách tập trung vào khai thác và sản xuất cá thu – một loại cá cũng tương đối giàu omega-3. Nguồn cung tăng đã đẩy giá lên cao, giúp ngư dân Na Uy có thêm lợi nhuận, đặc biệt trong bối cảnh đồng krone trở nên suy yếu so với đồng euro.
Giá dầu cá cao kỷ lục cũng là yếu tố chính giúp ngành cá thu ở Na Uy tăng trưởng, với gần 34.000 tấn được bán ra trong năm 2023, cao hơn rất nhiều so với năm 2022 (chưa tới 3.000 tấn). Tương tự, các công ty dầu cá Trung Quốc cũng đẩy mạnh sản xuất, sử dụng nguyên liệu cá mòi của Nga.
Mặc dù nguồn cung từ Na Uy tăng hay cá thu Scandinavia được tập trung khai thác triệt để nhằm phục vụ sản xuất dầu cá trong chế biến thức ăn, nhưng lỗ hổng thị trường do sự thiếu hụt của nguồn cung Peru vẫn chưa thể lấp đầy. Thị trường vẫn hết sức khó khăn, các nhà sản xuất, ngư dân, hay thương nhân đều đang theo dõi chặt chẽ sinh khối cá cơm và ngóng chờ hạn ngạch của mùa khai thác năm 2024, theo thông lệ sẽ bắt đầu vào tháng 4.
>> Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Sản xuất Peru (Produce), Peru xuất khẩu 43.800 tấn thủy sản trong tháng 11/2023, trị giá 126,5 triệu USD, giảm 24% về lượng và 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu bột cá giảm 35,8%, chỉ đạt 11,1 triệu USD; giá trị xuất khẩu dầu cá giảm 8,2%, chỉ đạt 10,1 triệu USD.
An Vy (Theo Undercurrentnews)
Bình luận gần đây