Thêm lợi thế cạnh tranh từ ASC

Vượt “sóng”, đạt mục tiêu

Năm 2010, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), VASEP và Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã ký một Thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp cá tra sản xuất có trách nhiệm hơn với môi trường và xã hội để đạt được chứng nhận ASC. Các bên ký thỏa thuận đã cam kết hỗ trợ để 100% sản phẩm cá tra xuất khẩu đạt được một trong số các chứng nhận nuôi có trách nhiệm vào năm 2015, với 50% đạt chứng nhận ASC. Trong đó, năm 2012, ngành cam kết 10% sản lượng đạt chứng nhận ASC.

Bất chấp những ngày tháng ảm đạm, những sóng gió trên thị trường, nhiều doanh nghiệp nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn nỗ lực đạt mục tiêu nuôi cá sạch, hướng tới phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra ở Việt Nam. Ngày 21/11/2012, tại lễ công bố “Ngành cá tra đạt mục tiêu sản xuất bền vững theo tiêu chuẩn ASC năm 2012”, các bên thỏa thuận đã công bố, ngành cá tra Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cả năm là 10% sản lượng đạt chứng chỉ của Hội đồng Nuôi trồng Thủy sản Bền vững (ASC).

Với 10% sản lượng đạt chứng nhận ASC, cá tra Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh – Ảnh: Greg Funnell

Có 6 công ty sản xuất cá tra lớn nhất tại ĐBSCL đã được chứng nhận ASC trong năm 2012: Công ty CP Hùng Vương, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP NTACO, Công ty CP Thủy sản Vinh Quang, Hoàng Long Group, Công ty CP Việt An. Chứng nhận ASC xác nhận rằng cá tra được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, đến đội ngũ công nhân và cộng đồng dân cư xung quanh. Trong số những doanh nghiệp đạt chứng nhận, Công ty CP Hùng Vương là doanh nghiệp đầu tiên cam kết thực hiện nuôi trồng theo tiêu chuẩn ASC và mới đây đã nhận được chứng chỉ ASC cho vùng nuôi Phú Túc, tỉnh Bến Tre.

 

Rộng cửa đến thị trường mới

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương cho biết: “Tuân theo tiêu chuẩn ASC không những tốt cho môi trường mà còn lợi cho doanh nghiệp, bởi ASC mở ra cánh cửa dẫn đến những thị trường mới tại châu Âu và Mỹ. Với những sản phẩm được dán nhãn ASC, chúng tôi có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời đảm bảo với khách hàng rằng họ đang mua một sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm”.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP khẳng định: “Các công ty tiên phong này đang tạo ra một kiểu mẫu cho toàn ngành. Sự phản hồi tích cực của thị trường sẽ đưa đến sự thay đổi sâu rộng sang phương thức nuôi trồng có trách nhiệm hơn trên toàn ngành. Sản xuất và nuôi trồng có trách nhiệm sẽ góp phần phát triển bền vững ngành sản xuất cá tra tại Việt Nam, đảm bảo thu nhập và công ăn việc làm lâu dài”.

Giám đốc Điều hành ASC, Chris Ninnes đánh giá: Nuôi trồng thủy sản là ngành sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, sự bùng nổ của ngành cũng gây ra những tác động nhất định về môi trường và xã hội. Chứng nhận ASC công nhận và tuyên dương các vùng nuôi cá hoạt động bền vững. Điều này bao gồm bảo vệ nguồn nước, không lạm dụng thuốc kháng sinh, tuân thủ quy định về thức ăn cho cá, có trách nhiệm đối với xã hội.

>>  Hiện có khoảng 30 công ty sản xuất cá tra lớn nhất Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ từ các bên ký Thỏa thuận: WWF, VASEP, VINAFIS với sự cộng tác tích cực từ Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Anova và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cho các nỗ lực đạt chứng nhận ASC.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *