“Thẻ vàng” của EC: Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa


Hoạt động khai thác thủy sản có nhiều chuyển biến Ảnh: Quang Quyết

Nỗ lực của Việt Nam

Trong tháng 5 vừa qua, Đoàn kiểm tra của EC đã sang làm việc với phía Việt Nam, kiểm tra việc thực thi 9 khuyến nghị của EC liên quan tới vấn đề đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để xem xét có rút “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam hay không.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 6 tháng triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam, chúng ta đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện văn bản pháp luật, 9 khuyến nghị của EC đã được đưa vào Luật Thủy sản và hiện các đơn vị đang tích cực triển khai các hoạt động liên quan như tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, nghị định, thông tư… Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết định tập trung chỉ đạo đồng bộ, 28 địa phương ven biển, ngư dân… cũng đã vào cuộc quyết liệt.

Tuy nhiên, 6 tháng không phải là khoảng thời gian đủ nhiều để chúng ta xoay chuyển được tình thế từ một nghề cá nhân dân sang nghề cá khai thác có trách nhiệm và phát triển bền vững. Thực tế, cũng không có nước nào gỡ được “thẻ vàng” sau 1 – 2 năm nhưng không vì thế mà ỷ lại, chúng ta cần phải cố gắng hơn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện vấn đề “thẻ vàng” không gây lo ngại đến thị phần xuất khẩu thủy sản, bởi Việt Nam đang có rất nhiều thị trường. Việt Nam phải phấn đấu để có một nghề cá bền vững. Đây là mục tiêu cao cả, xa hơn, phải tự phấn đấu để đạt mục tiêu đó chứ không phải chỉ vì việc EC rút “thẻ vàng”. Vì vậy, cần tái cơ cấu lại ngành thủy sản, một mặt phải tổ chức lại sản xuất, quan trọng hơn là đi sâu vào chế biến để chuỗi giá trị mang lại hiệu quả nhiều hơn. Cùng với đó, sẽ tập trung tổ chức nuôi xa, đây mới là giải pháp bền vững, tập trung tái cơ cấu lại sản xuất, chứ không phải chỉ ra khơi khai thác tài nguyên. Xây dựng một nghề khai thác biển, rộng hơn là kinh tế biển một cách bền vững, đúng tiềm năng lợi thế của Việt Nam.

Tiếp tục tháo gỡ

Theo Bộ NN&PTNT, để khắc phục được “thẻ vàng”, thủy sản Việt Nam vẫn còn một số thách thức lớn. Trong đó, việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều lỗ hổng, cần thay đổi tập quán khai thác tự nhiên sang khai thác có trách nhiệm từ việc khai báo, ghi sổ sách, ngư trường. Việc kiểm soát đánh bắt cũng lộ rõ nhiều vấn đề cần xử lý. Hiện nay, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Như vậy, lượng tàu cần lắp các thiết bị định vị vệ tinh còn rất lớn. Phía Việt Nam đã công bố thông tin thể hiện sự minh bạch, không giấu giếm và chia sẻ với EC rằng Việt Nam đang thiếu kinh phí lắp đặt thiết bị cho tàu cá và nỗ lực khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, dù Việt Nam đã lồng các khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản 2017, các nghị định, văn bản hướng dẫn… nhưng cần đẩy mạnh việc thực thi ở các địa phương. Bên cạnh đó là những bất cập ở cơ sở hạ tầng từ bến cá, cảng cá khu neo đậu… cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu khai thác từ những đội tàu lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đợt kiểm tra của phái đoàn EC vừa qua cho thấy, EC đã ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam. Tuy nhiên, với khối lượng công việc còn rất lớn, kể cả về khai thác bền vững, về trách nhiệm của ngư dân, tổ chức thực thi pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật…, thời gian tới cần tiếp tục cố gắng. Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, tới đây sẽ tiếp tục ra những văn bản, nhất là các chương trình hành động để các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn. Cụ thể như, phải quyết liệt thay đổi tập quán đánh bắt khai thác tự nhiên sang khai thác có trách nhiệm từ khai báo, sổ sách, ngư trường; giải quyết bất cập về cơ sở hạ tầng từ bến cảng, khu neo đậu…

>> Phía Việt Nam và EC đã thông nhất, tháng 1/2019, đoàn công tác của EC sẽ quay lại để xem xét vấn đề “thẻ vàng” thủy sản của Việt Nam. Vấn đề cơ bản là hai bên đã thực sự vào cuộc và không tạo ra những rào cản, gây ách tắc cho hàng hóa, hai bên cũng tích cực chia sẻ để cùng hiểu nhau hơn.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *