Thấy gì từ nuôi cá tra ở Indonesia?
132.600 tấn năm 2009
Theo Báo cáo nuôi trồng thủy sản năm 2010 của Indonesia đăng trên website gain.fas.usda.gov, Indonesia có hơn 17.000 hòn đảo và bờ biển dài 81.000 km, với diện tích có tiềm năng nuôi thủy sản 26,6 triệu ha. Nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp ở nước này.
Quy mô nuôi cá tra ở Việt Nam vượt Indonesia rất xa – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Indonesia năm 2007 – 2009 tăng trung bình 49,68%, từ 3,193 triệu tấn lên 4,78 triệu tấn. Đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng của nuôi trồng thủy sản Indonesia là gia tăng sản lượng cá tra (Pangasius spp), tăng 260%, từ 36.755 tấn năm 2007 lên 132.600 tấn năm 2009. Tiếp đến là cá trê (Clarias spp) tăng 118%, cá rô phi 82% và tảo biển 49%. Tuy nhiên, sản lượng tôm lại giảm 15%, từ 409.590 tấn năm 2008 xuống còn 348.100 tấn năm 2009.
Trong khi đó, số liệu của Bộ NN&PTNT Việt Nam cho thấy, trong 10 năm qua, sản lượng cá tra tại ĐBSCL đã tăng gấp 3 lần, từ 500.000 tấn lên kỷ lục 1,5 triệu tấn vào năm 2008 và hiện đạt khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Rõ ràng nhận thấy, quy mô ngành sản xuất cá tra ở Indonesia khác hẳn Việt Nam. Cá tra nuôi ở Indonesia chỉ là một ngành sản xuất rất nhỏ, trong khi cá tra Việt Nam là một ngành chủ lực, nuôi với quy mô rộng lớn nhất thế giới.
Xuất khẩu không nhiều
Cá tra (Pangasius spp) là loài cá nước ngọt được nuôi ngày càng nhiều và trở thành loại cá hàng hóa chính của Indonesia. Sản lượng cá tra nuôi của Indonesia tăng qua các năm, từ 36.755 tấn năm 2007, đến 102.021 tấn năm 2008 và 132.600 tấn năm 2009.
Nuôi cá tra tại Indonesia
Indonesia có 4 hình thức nuôi cá tra, chủ yếu là nuôi trong lồng bè, ruộng lúa, ao nước ngọt và đăng quầng. Năm 2008, sản lượng cá tra nuôi lồng của Indonesia là 19.093 tấn; nuôi trong ruộng lúa là 235 tấn (tăng mạnh so với 143 tấn trong năm 2006); nuôi ao nước ngọt là 57.454 tấn. Riêng năm 2008, hình thức nuôi trong ao nước ngọt đã tăng 4 lần sản lượng so với năm 2007.
Hình thức nuôi đăng quầng hiện nay giảm mạnh do nhiều diện tích nuôi bị bỏ hoang. Vì vậy, năm 2008, nuôi đăng quầng chỉ đạt 25.239 tấn, thấp hơn nhiều so với đỉnh cao 51.439 tấn năm 2004. Sản lượng cá nuôi đăng quầng giảm do thiếu nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là do nguồn cung cấp giống không đảm bảo, chất lượng nước các hồ tự nhiên, hồ chứa bị xuống cấp và giá thành nuôi cá không thể cạnh tranh được các loài cá khác như chép, rô phi.
Cá tra Indonesia cũng được xuất khẩu ra nước ngoài, nhiều nhất là Mỹ, nhưng sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng fillet đông lạnh và khối lượng xuất khẩu rất nhỏ, chỉ đạt 69.591 kg năm 2007.
Bình luận gần đây