Thay đổi để giữ thị trường Trung Quốc

Cần nắm rõ những quy định mới

Theo thông tin từ Bộ Công thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Trung Quốc là rất lớn và đa dạng. 

8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản cả nước ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so cùng kỳ. Trong đó, thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại.

Thực tế, từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động, thực vật và chất lượng hàng hóa nông, thủy sản nhập khẩu. Điều này đã tác động đến tiến độ xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam tại đây. Hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa cập nhật hoặc chưa thực sự quan tâm, thay đổi cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của Trung Quốc.

chế biến cá tra xuất khẩu

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần nắm rõ những quy định mới từ phía Trung Quốc để có điều chỉnh phù hợp – Ảnh: LHV

ThS Vũ Thị Hải Yến, Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, hiện nay nông sản Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức về quy định kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; trong đó, trước mắt chính là các quy định về TBS, SPS và yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quy định xuất xứ. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý thương mại biên mậu bằng các quy định về kiểm dịch, bao gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp… hạn chế một lượng tương đối nông sản Việt Nam vào thị trường này. Đó là chưa kể, trong hoạt động song phương, doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chủ động về chiến lược, kế hoạch, hướng đi bền vững lâu dài đối với thị trường Trung Quốc, chủ quan trong việc thực hiện các chính sách theo thông báo của Trung Quốc dẫn đến bị động và thích ứng chậm với sự thay đổi của thị trường.

Chuyển xuất khẩu chính thống

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực, chủ động tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm và hội thảo chuyên đề được tổ chức tại Việt Nam hoặc Trung Quốc. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính; do đó, việc tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp cần phải được hoạch định lại để hướng tới nông sản chất lượng cao. Các doanh nghiệp Việt Nam cần trực tiếp tìm hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng; nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc. Thay đổi từ việc kiểm tra an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất, đồng thời nâng cao nhận thức về sản phẩm chất lượng và an toàn hơn. Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý – doanh nghiệp – người sản xuất nhằm bảo đảm an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch cũng như mở rộng lợi thế tại thị trường này. Đó là, sản xuất lệch thời vụ so với Trung Quốc; tăng cường áp dụng khoa học – kỹ thuật, đặc biệt trong khâu chế biến để kéo dài thời gian bảo quản; tập trung nhiều thị trường, không chỉ trông chờ vào thị trường Trung Quốc, cần chuyển hướng theo sản xuất theo yêu cầu, chất lượng của thị trường đòi hỏi; tăng cường nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ để đáp ứng nhiều tiêu chuẩn thị trường, để tăng sức cạnh tranh và để phân phối trên nhiều thị trường…

 >> Tính đến hết tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,64 tỷ USD, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhiều mặt hàng sụt giảm mạnh như: rau quả, sắn và sản phẩm sắn, gạo, cà phê, thủy sản…

An An

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *