Tháng 8, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam giảm 5% so cùng kỳ

Chế biến cá ngừ đóng hộp. Ảnh: ST

Trong tháng 8, giá trị xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam đều tăng so cùng kỳ, trừ thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304. Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính có nhiều biến động. Cụ thể tại một số thị trường chính:

Mỹ

Trong những năm qua, Mỹ luôn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cá ngừ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng gấp 2,5 lần chỉ sau 10 năm Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ đối tác toàn diện, lên mức kỷ lục đạt gần 487 triệu USD vào năm 2022.

Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2023 đã giảm 49%, chỉ đạt hơn 171 triệu USD. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

Đến tháng 8/2023, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Mỹ đã tăng nhẹ 2% so cùng kỳ, nguyên nhân do xuất khẩu cá ngừ đóng hộp tăng 24%. Nhưng do mức tăng không nhiều nên lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 vẫn giảm gần 45% so cùng kỳ, đạt gần 208 triệu USD.

Trong khi các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam sang Mỹ trong những năm qua, XK cá ngừ đóng hộp lại có nhiều biến động. Hiện cá ngừ vẫn đang là sản phẩm được tiêu thụ nhiều thứ 3 tại Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược hàng đầu của ngành cá ngừ Việt Nam.

EU

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang EU lại tiếp tục tăng tốc, với mức tăng 37% trong tháng 8. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng tới 45 lần so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá ngừ sang Đức và Hà Lan ghi nhận tăng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. 

Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Anh cũng có những khởi sắc. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, sau khi sụt giảm mạnh 51% trong tháng 5/2023 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh tiếp tục tăng trong 2 tháng sau đó. Sự tăng trưởng này đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2023 lên cao hơn 77% so cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 4,5 triệu USD.

Hiện Anh nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam, chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. So với cùng kỳ, xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang Anh tăng tới 98%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp lại giảm. Tại thị trường Anh, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13, còn Ecuador, Mauritius và Seychelles đang dẫn đầu thị trường này.

Năm nay, chi phí vận chuyển của các nước Nam Mỹ tăng cao, đây là cơ hội cho các nước châu Á, trong đó có Việt Nam tăng xuất khẩu cá ngừ sang nước châu Âu, trong đó có Anh. Ngoài ra, lợi thế từ hiệp định thương mại tự như UKVFTA đang tạo ra sức cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại thị trường này. Vương quốc Anh đã ký kết thỏa thuận và chính thức trở thành thành viên thứ 12 của khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với hiệp định thương mại giữa Việt Nam – Anh (UKVFTA), những ưu đãi từ CPTPP sẽ mở ra cơ hội cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam vào thị trường Anh, trong đó có cá ngừ. Dự kiến, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh trong những tháng cuối năm sẽ vẫn tiếp tục khả quan.

Trung Quốc

Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu cá ngừ của nước này trong tháng 7/2023 đạt 6.592 tấn, trị giá hơn 18 triệu USD, tăng 69% về khối lượng và 25% về giá trị so với tháng 6 trước đó. So cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu cá ngừ của Trung Quốc tăng gấp 10 lần về khối lượng và 193% về giá trị. Tính lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 27 nghìn tấn cá ngừ, trị giá 95 triệu USD, tăng 922% về khối lượng và 207% về giá trị so cùng kỳ năm 2022.

Hiện Micronesia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường Trung Quốc chiếm 66% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 12 cho thị trường này, với thị phần rất nhỏ. Theo Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này tăng 697%, đạt 473 nghìn USD.

Hàn Quốc

Theo Hải quan Việt Nam, trong khi các thị trường nhập khẩu cá ngừ chính của Việt Nam giảm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc lại tăng ấn tượng. Tính lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 7 triệu USD.

Năm nay mặc dù đồng Won bị mất giá mạnh so với USD khiến cho giá cá ngừ nhập khẩu tăng cao, nhưng do sản lượng đánh bắt của các đội tàu giảm nên Hàn Quốc phải tăng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong nhóm các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp sang Hàn Quốc hiện đang tăng mạnh, đặc biệt cá ngừ đóng hộp tăng 468% so cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do lạm phát, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản đóng hộp tăng.

Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 8, nhưng lại là nguồn cung cá ngừ chế biến và đóng hộp lớn nhất trong nửa đầu năm 2023, cao hơn cả Thái Lan và Italy. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 6 tháng đầu năm nay, trong khi tổng nhập khẩu cá ngừ vào Hàn Quốc giảm 7% về khối lượng, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần. Các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam đang chiếm tới gần 77% tổng nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Hàn Quốc.

7 tháng đầu năm 2023, giá trung bình xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Hàn Quốc dao động từ 3,2 – 3,5 USD/kg. Giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ hấp đông lạnh sang thị trường này dao động từ 4,7 – 6,0 USD/kg.

Anh Vũ

Tính đến hết tháng 8/2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã thu hẹp mức giảm so cùng kỳ năm trước, các thị trường đang dần phục hồi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi xuất khẩu các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản hay Canada về lại mức cùng kỳ năm trước rất khó. Giá cá ngừ nguyên liệu trên thế giới giảm đang thúc đẩy nhu cầu của các nhà nhập khẩu cuối năm. VASEP dự báo, nhiều khả năng xuất khẩu cá ngừ trong nhưng tháng tới sẽ trở về mức tương đương so cùng kỳ năm 2022.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *