Tháng 1/2022, xuất khẩu tôm khả quan ở nhiều thị trường

Xuất khẩu tôm tăng trưởng khả quan do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng đã ký trong năm 2021. Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng chiếm 76%, tôm sú chiếm 14%, còn lại là tôm biển. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 238 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu tôm sú đạt gần 43 triệu USD, tăng 92% so với cùng kỳ 2021. Trong các sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến tăng mạnh nhất 157%.

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của các doanh nghiệp tôm Việt Nam, chiếm 21,5% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. Xuất khẩu tôm đi Mỹ tháng 1/2022 đạt hơn 67 triệu USD, tăng 9% so với tháng 12/2021 và tăng 61% so với tháng 1/2021. 

Năm 2021, tại thị trường Mỹ, dù giá trung bình xuất khẩu của tôm Việt Nam vẫn còn phải cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ, Indonesia nhưng tốc độ tăng trưởng đã ghi nhận cao hơn các nước này. Với sự phát triển mạnh mẽ của tôm Ecuador trên thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 4 trong top các nguồn cung tôm chính cho Mỹ với tỷ trọng giá trị tăng từ 10,7% năm 2020 lên 12% năm 2021 và tỷ trọng khối lượng tăng từ 8,8% lên 9,8% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ.

Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này đạt 54 triệu USD trong tháng 1 năm nay, tăng 23% so với cùng kỳ.

Tại các thị trường trong khối EU, tháng 1/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt gần 54 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang 3 thị trường nhập khẩu chính trong khối là Hà Lan, Đức và Bỉ tăng lần lượt 116%, 32% và 91%.

Ngược lại với xu hướng tăng trưởng trên nhiều thị trường, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1/2022 lại có xu hướng giảm. Trước đó, xuất khẩu sang thị trường này đã giảm trong năm 2021, riêng tháng 12, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng do phía Trung Quốc gia tăng nhập khẩu tôm để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. 

Tháng 1/2022, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc giảm trở lại, chủ yếu do ảnh hưởng của chính sách “ZERO COVID”, kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu của Chính phủ nước này. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 1 năm nay đạt hơn 18 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt. Tuy nhiên, năm 2022, tôm Việt Nam cần xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Đồng thời, coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore…

Tuy nhiên, VASEP nhận định thiếu nguyên liệu đầu năm, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành sản xuất còn cao… vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2022.

An Nhiên

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *