Thâm nhập “góc khuất” trong chế biến hải sản khô

Hải sản khô là một mặt hàng mà du khách thường lựa chọn mỗi khi đến các tỉnh miền Trung. Thậm chí, nó được xem là mặt hàng có thương hiệu ở các tỉnh này. Thế nhưng, có một câu hỏi mà không ít người tiêu dùng đặt ra, đó là liệu hải sản khô có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?

Thâm nhập

Ảnh minh họa

Những khoảnh đất trống gần cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa luôn được tận dụng triệt để. Bất cứ đồ vật nào, khoảnh đất trống nào cũng có thể là chỗ để bày hải sản ra phơi.

Bên con kênh đầy rác, ngay cả người dân địa phương cũng khó chịu nổi dù chỉ vài phút, vậy mà nó là nơi mà hoạt động chế biến cá khô vẫn diễn ra đều đặn hàng ngày. Hải sản từ các chuyến đi biển được phân loại: hoặc để xuất khẩu hoặc chuyển đến các chợ để bán tươi và một phần không nhỏ, được đưa vào chế biến để làm hải sản khô.

Cũng dễ hiểu khi chỉ một làng biển bên cạnh cảng cá Hòn Rớ có trên dưới chục hộ gia đình chế biến hải sản khô. Còn nếu tính ở các tỉnh ven biển miền Trung, chúng ta sẽ khó là tính hết số hộ chế biến hải sản khô cũng như lượng hải sản khô chuyển ra thị trường mỗi ngày.

Ông Nguyễn Năm ở Xã Phước Đồng cho biết: “Mùi hôi thối không chịu được. Còn an toàn hay không thì không biết vì tôi không ăn”.

Là công việc mang lại khoản lãi không nhỏ nên mạng lưới chế biến, cung ứng hải sản khô ra thị trường khá rộng và có nhiều người tham gia. Điểm chung nhất của mạng lưới này là ai cũng có thể chế biến hải sản khô, mỗi người một kiểu làm nhưng như thế nào thì khó mà biết được. Sau đó, hải sản khô được những người mua gom cho vào bao bì đóng gói.

Nhãn hiệu trên bao bì chỉ là tên của cơ sở kinh doanh, nghĩa là ngay cả người kinh doanh cũng khó mà xác định nguồn gốc chỗ hải sản khô này được chế biến từ đâu. Người bán đã là thế, người tiêu dùng lại càng mơ hồ khi muốn biết chất lượng của mặt hàng hải sản khô.

Chỉ một thao tác, chỗ cá mà nhìn vào không ai dám ăn, bỗng trở thành sản phẩm bắt mắt và sẽ không ai tưởng tượng nổi nó từng được tẩm, được phơi trên những nơi không hề đảm bảo vệ sinh xung quanh cảng cá.

Được xem là mặt hàng gắn liền với thương hiệu du lịch, nên không ít người cho rằng đã đến lúc không thể bỏ ngỏ việc quản lý chất lượng hải sản khô. Nếu không, sự trà trộn giữa mặt hàng hải sản có chất lượng với những sản phẩm mất an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn làm giảm sút thương hiệu hải sản khô ở các tỉnh ven biển.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *