Thách thức truy xuất nguồn gốc

Có nhưng chưa đủ

Bà Phạm Thị Mỹ Trinh, chuyên gia của Công ty Công ty Giải pháp và dịch vụ Truy xuất nguồn gốc TraceVerified đã giới thiệu nghiên cứu sản phẩm tôm và cá tra tập trung vào 3 mắt xích chính: trại giống, trại nuôi trồng và nhà máy chế biến.

Với sản phẩm tôm: Về trại giống, có 30% không ghi thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc; 70% có ghi nhưng bằng giấy tờ các thông tin cơ bản: giống bố mẹ nhập ở đâu, khi nào, các lứa sinh sản, tỷ lệ hao hụt tôm giống. Thông tin ghi sơ sài và không theo quy trình cho việc truy xuất nguồn gốc. 

Về trại nuôi tôm, ở các hộ bán chủ yếu dựa vào thương lái thì hầu hết không ghi thông tin truy xuất nguồn gốc, số ít ghi đơn giản trên giấy. Một số HTX, trang trại tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, có ghi thông tin về nguồn gốc như quá trình nuôi, thức ăn, thuốc kháng sinh; cũng vẫn thủ công trên giấy hoặc phần mềm excel. 

Nhà máy chế biến xuất khẩu tôm: 20% bán trong nước, 80% xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho quá trình sản xuất, chế biến nên có ghi thông tin truy xuất nguồn gốc, nhưng phần lớn sổ sách thủ công, mang tính hình thức, nhiều trường hợp chưa gắn trực tiếp với lô nguyên liệu. 

Với sản phẩm cá tra: Trại giống cá tra có 30% không ghi truy xuất nguồn gốc, 70% có ghi giấy về nguồn gốc con giống, chủ yếu là cá bố mẹ nhập từ đâu, bắt đầu sinh sản năm nào, đã bao nhiêu mùa. Trại nuôi cá tra, vì 95% sản lượng xuất khẩu nên hầu hết nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận. Các thông tin truy xuất nguồn gốc được ghi nhận đầy đủ theo biểu mẫu, nhưng cũng thủ công giấy tờ. Một số hộ chỉ khi có sự yêu cầu. Đa phần thông tin không ghi nhận theo thời gian thực và không được lưu trữ cẩn thận. 

Doanh nghiệp chế biến cá tra đều áp dụng tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường. Việc ghi thông tin từng giai đoạn của quá trình chế biến phục vụ truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, đều qua giấy tờ, chưa xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. 

Truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn là vấn đề nan giải – Ảnh: ST

Nhiều thách thức

Ông Bùi Huy Bình cũng là chuyên gia tại TraceVerified đã trình bày thách thức qua các yêu cầu truy xuất nguồn gốc của ba thị trường lớn là EU, Mỹ và Nhật Bản.

Quy định của EU: Truy xuất nguồn gốc là khả năng cho phép truy tìm tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối một sản phẩm thực phẩm, một sản phẩm thức ăn động vật. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc là phải định ra dấu hiệu đối với từng nhà sản xuất hàng hóa thực phẩm và thức ăn cho động vật, thành một hệ thống hoàn chỉnh. Giám sát đến từng nhà máy, bao gồm cả nhà nhập khẩu.

Luật thực phẩm chung thiết kế hệ thống ATTP của EU dựa trên 3 trụ cột. Đó là: Phân tích mối nguy; kiểm tra – giám sát và trách nhiệm ATTP của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Luật cũng là cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh trong những trường hợp khẩn cấp.

Quy định của Mỹ: Mỗi điểm dọc theo chuỗi phải có tài khoản cho nơi giao nhận; phương pháp một bước trước, một bước sau đóng vai trò quan trọng. Có nghĩa là tại một vị trí phát sinh thông tin trong truy xuất nguồn gốc phải có ai đó chịu trách nhiệm rõ ràng. 

Luật sửa đổi về ATTP (FSMA) bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách tăng cường hệ thống ATTP; tập trung vào ngăn ngừa hơn là phản ứng với các vấn đề sau khi xảy ra. Nhất là phòng ngừa các mối nguy cơ có chủ đích, chứ không phải nguy cơ do vô ý, phòng ngừa như thế yêu cầu kế hoạch cụ thể. Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS) quy định nghiêm ngặt việc kiểm soát từng công đoạn theo nguyên tắc phòng vệ thực phẩm.

Quy định của Nhật Bản: Đề cao tính tự chịu trách nhiệm và tăng lấy mẫu kiểm tra khi phát hiện sai sót. Tính trách nhiệm được đề cao thông qua Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm: Trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng thuộc về nhà nhập khẩu. Yêu cầu mỗi nhà khai thác lưu giữ hồ sơ để xác định tất cả các nhà cung cấp và khách hàng của họ theo nguyên tắc một bước trước và một bước sau. Kiểm tra, giám sát tăng dần theo mức độ vi phạm. Bình thường lấy mẫu 5% thủy sản nuôi; nếu 1 lô vi phạm tăng lên 50%; nếu hồ sơ có nguy cơ vi phạm cao tăng lên 100%.

Cần thiết có tiêu chuẩn

Báo cáo nghiên cứu cho biết điểm mạnh và yếu của chuỗi sản phẩm thủy sản ở ĐBSCL hiện nay. Điểm mạnh là có mạng lưới khuyến nông rộng khắp, ngày càng có nhận thức tốt hơn về truy xuất nguồn gốc và đa số mong muốn áp dụng; Điểm yếu là quy định truy xuất nguồn gốc còn nửa vời, chưa có tiêu chuẩn cụ thể, nhân lực thực thi còn hạn chế.

Nghiên cứu khẳng định: Tiêu chuẩn không chỉ là rào cản mà còn là chất xúc tác cho ngành phát triển. Đặc biệt, thể chế làm gia tăng lợi thế so sánh, từ đó nổi lên vai trò của nhà nước, đặc biệt của hiệp hội rất quan trọng. Các chương trình truy xuất nguồn gốc không chỉ phục vụ xuất khẩu trước mắt mà còn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Đề xuất cụ thể, với cơ quan quản lý nhà nước trung ương cần sớm ban hành tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc; đối với cơ quan quản lý nhà nước địa phương cần nắm rõ các quy định về truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp; còn các doanh nghiệp xây dựng mối liên kết với các trại nuôi, thương lái, cơ sở sản xuất thức ăn trong chuỗi. 

Ở chuỗi tôm, khâu kết nối thông tin giữa nông dân nuôi và nhà máy chế biến đang bị ngăn cách bởi các thương lái. Các thương lái có vị trí quan trọng trong chuỗi nên cần được đưa vào như một mắt xích thông tin truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Bùi Huy Bình, chuyên gia tại TraceVerified, hệ thống truy xuất nguồn gốc trước tiên là xây dựng cộng đồng các bên tham gia vào chuỗi cung ứng của cùng một sản phẩm. Bởi truy xuất nguồn gốc không chỉ là những thông tin hiển thị trên con tem sản phẩm mà đó là cả một hệ thống, một chuỗi liên kết mang lại lợi ích cho các bên tham gia.

Thanh Hải

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *