Thách thức phát triển nông nghiệp

Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai ở Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu câu hỏi: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp? Đến bao giờ người dân mới có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời: “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phải an toàn, được kiểm chứng bởi hệ thống phân phối. Đáng tiếc chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.

Ông Hoan đề cập đến vùng ĐBSCL màu mỡ là vựa thủy sản, lương thực và trái cây quốc gia nhưng bây giờ kiểm đếm lại vẫn là manh mún, dẫn đến hệ lụy rất nhiều. Nếu không tổ chức được ngành hàng sản xuất thì còn rủi ro, trong đó có vai trò địa phương. Bộ trưởng tha thiết mong muốn các địa phương cùng vào cuộc để xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao. Bởi vì, nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường.

Cần chú trọng đến vấn đề ATTP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để hoạt động xuất khẩu được hanh thông. Ảnh: Vũ Mưa

Thực tế từ con tôm Việt đang có nhiều ưu thế ở các thị trường như Tây Âu, Mỹ, Nhật, tuy nhiên cũng đối diện nhiều thách thức do tình tranh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực nói rõ thách thức lớn nhất cho ngành tôm Việt Nam “là vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thuận lợi”.

Ông Lực phân tích, Tây Âu là thị trường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Các lô hàng sau thông quan, còn có thể bị kiểm tra lại chặt chẽ hơn, nhiều dư chất hơn, bởi bộ phận kiểm soát chất lượng của các hệ thống phân phối, nhất là những hệ thống lớn. Trong khi đó, tôm Việt nuôi nhỏ lẻ, manh mún, khó kiểm soát sẽ có nhiều rủi ro trước tình hình này.

Còn truy xuất nguồn gốc thuận lợi là đòi hỏi chung của các thị trường chứ không riêng Tây Âu. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sự minh bạch hơn, không chỉ truy xuất ao nuôi mà cả chuỗi cung ứng (như con giống, thức ăn, chế biến, vận chuyển…), trong khi tình hình đánh mã số cơ sở nuôi tôm của nước ta vẫn trì trệ. Đây là một nút thắt cho các doanh nghiệp chế biến để chứng minh, thuyết phục khách hàng về khả năng kiểm soát nguyên liệu. Đặc biệt muốn tăng trưởng thị phần phân khúc cao cấp phải có vùng nuôi tôm đạt chuẩn ASC, nhưng diện tích nuôi tôm của nước ta đạt chuẩn này còn rất thấp do các hộ nuôi nhỏ lẻ, khó đạt chuẩn ASC vì chi phí cao làm tăng giá thành.

Giải pháp sản xuất quy mô lớn

Theo ông Hồ Quốc Lực, cần có chính sách kêu gọi đầu tư các dự án nuôi tôm lớn; nhất là chính sách tích tụ đất đai để hình thành các trại nuôi quy mô hàng trăm ha. Với quy mô nuôi như vậy mới có điều kiện trang bị các điều kiện cần thiết thực hiện quy trình nuôi thâm canh hoàn chỉnh, giảm rủi ro, tăng năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt. Khi diện tích nuôi đạt chuẩn ASC với hàng trăm nghìn ha, chắc chắn tôm Việt sẽ chiếm lĩnh khúc thị phần tôm cao cấp ở thị trường Tây Âu, góp phần không nhỏ vào việc nâng tầm và xây dựng thương hiệu tôm Việt trên thị trường thế giới.

Về vấn đề thương hiệu, tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng bày tỏ “Cần phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu”. Ông nói, nhãn hiệu dễ xây dựng còn thương hiệu thì bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng là rất khó. Muốn xây dựng thương hiệu, cần xây dựng một hệ sinh thái của một ngành hàng, cần có thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu của HTX, thương hiệu của người nông dân để xây dựng được thương hiệu chung cho mặt hàng. Nhiều khi cần đến 5 năm, 10 năm để xây dựng được cảm xúc của người tiêu dùng, giúp họ ấn tượng với sản phẩm mang thương hiệu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Vấn đề cấp thiết của ĐBSCL là phải tổ chức lại sản xuất, vận động bà con vào HTX”. Ông phân tích, khi đó, bà con sẽ có một pháp nhân rõ ràng và có cơ quan tài phán để phân biệt được về giá cả, chất lượng và được tư vấn giữa thuốc bảo vệ thực vật thông thường và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thực tế, ở ĐBSCL đã có nhiều mô hình hợp tác của các nông hộ tiết kiệm được 30 – 40% chi phí do giảm vật tư đầu vào và chuyển sang sử dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học, hướng đến nông nghiệp sinh thái hơn.

Ở diễn đàn khác, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức ngày 22/4/2022, Bộ NN&PTNT đã có kiến nghị về đất đai cho sản xuất quy mô lớn. Cụ thể: “Sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động cao hơn cho người dân được giao đất, thuê đất, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn”.

>> Với đặc thù sản phẩm đa dạng, phong phú như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, thủy, hải sản…, nhưng việc xuất khẩu nông sản Việt gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường. Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, do sản xuất còn manh mún, tự phát.

SÁU NGHỆ

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *