Thách thức nội ngành thủy sản: “Áo” đã chật, cần tái cấu trúc

Thị trường mở rộng

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 7 tháng đầu năm 2013, “hầu hết các thị trường nhập khẩu đều giữ tốc độ tăng trưởng ổn định đối với cá tra Việt Nam”. Trong 8 thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam, có 6 thị trường tăng trưởng. Bên cạnh, một số thị trường tăng mạnh như Brazil tăng 77,3%, Mexico tăng 14,7%. Cá tra đã đến 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng kỳ năm ngoái chỉ có 130.

Đặc biệt thị trường Mỹ, dù những dự báo khá u ám khi công bố POR8 hồi giữa tháng 3 thì đến hết tháng 7, đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch hơn 230 triệu USD, trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra. Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhận xét: “POR8 nói chung không có tác động nhiều đến xuất khẩu vào Mỹ”. Nên thị trường EU với 27 nước, giảm so với cùng kỳ 12,7%, thì tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra 7 tháng vẫn đạt 985 triệu USD, chỉ giảm 0,6% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm, theo VASEP, đến hết tháng 7 cũng đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 7, xuất khẩu tôm đạt 291 triệu USD, tăng 45,3% so với tháng 7/2012 và tăng 21,7% so với tháng trước.

Tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 291 triệu USD – Ảnh: Vũ Mưa

Trong tháng 7, số liệu của VASEP, hầu hết các thị trường chính xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều tăng. Mỹ tăng 17,2%, Nhật Bản tăng 16,7%, EU tăng 8,7%, Trung Quốc và Hồng Kông tăng 36,7%. Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khác cũng tăng trưởng mạnh (53 – 110%), riêng thị trường Hàn Quốc giảm gần 11%.

 

Khó với người nuôi

Phó Chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho biết, trong 7 tháng qua có trên dưới 20 doanh nghiệp (tùy tháng) xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Doanh nghiệp xuất khẩu giá cao nhất là Công ty TNHH Thương mại Tâm An, luôn luôn gần 8 USD/kg. Một số doanh nghiệp xuất khẩu giá chỉ 1,21 – 1,52 USD/kg, đó là Công ty CP Chế biến và XNK Thủy sản Hòa Phát, Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam, Công ty CP XNK Bình Minh, Công ty CP Việt An.

Cũng theo ông Minh, hiện có 152 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và khoảng 90% trong đó xuất khẩu giá dưới 2 USD/kg. Tổng cục Thủy sản cho biết, một số doanh nghiệp hạ giá sản phẩm xuất khẩu “và quay về ép giá thu mua nguyên liệu trong nước”. Khi có POR8, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng nhận định: “Khả năng các nhà chế biến xuất khẩu đã chuyển thuế sang khu vực nuôi bằng việc hạ giá mua ngay khi DOC công bố phán quyết”. Cho nên, suốt những tháng đầu năm nay, người nuôi cá tra luôn luôn phải bán dưới giá thành, lỗ từ 2.000 đến 4.000 đồng/kg.

Cá tra Việt Nam đang được xuất sang 137 quốc gia và vùng lãnh thổ – Ảnh: Lê Hoàng Vũ   

Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu còn chiếm dụng vốn của người nuôi. Báo cáo của Tổng cục Thủy sản: “Hiện tượng doanh nghiệp chế biến kéo dài thời gian trả tiền mua cá, người nuôi bị chiếm dụng vốn diễn ra phổ biến, ngay cả những hộ nuôi cá theo hình thức liên kết đầu tư cũng bị một số doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu nợ và thậm chí chây ỳ không chịu trả nợ”.

Vì vậy, không ít người nuôi cá tra bị đẩy đến chỗ thua lỗ, “treo” ao, phá sản. Nhưng diện tích và sản lượng cá tra không giảm là do doanh nghiệp mở rộng vùng nuôi, đã chiếm khoảng 60% tổng diện tích. Tổng cục Thủy sản cho biết: “Một số doanh nghiệp có tiềm lực tăng cường đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách thuê lại ao của dân hoặc đầu tư xây dựng vùng nuôi riêng”. Giám đốc HTX Nuôi cá tra Thới An (Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải buồn bã nói: “Doanh nghiệp nuốt chửng người nuôi cá”.

 

Tái cấu trúc

Mọi khó khăn trên thị trường, rốt cục được đẩy hết về cho người nuôi, như Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng nói: “Khu vực nuôi bị ảnh hưởng trầm trọng, nhất là với người nuôi nhỏ lẻ”. Ông cho rằng: “Thách thức lớn nhất đến từ trong ngành và nội bộ mỗi phân khúc”.

Tái cấu trúc ngành đã đặt ra bức bách, cần thay cái áo đã chật để lớn lên. Ông Dũng cho rằng, trong tái cấu trúc ngành phải sắp xếp lại nhóm doanh nghiệp, tái cấu trúc tài chính phải bao gồm cả tái cấu trúc quản trị và “chấm dứt tình trạng nợ nần, nợ của nhà máy chế biến với người nuôi”. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh nói “nên gom lại một nhóm doanh nghiệp hàng đầu để hình thành giá bán ra, loại bỏ trung gian để quản lý chất lượng”.

Ông Dũng nêu ý kiến: “Các nhà chế biến xuất khẩu là người dẫn dắt ngành cần thay đổi chiến lược kinh doanh và hệ thống quản trị”. Trong lúc, Tổng cục Thủy sản đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn: “Nghiên cứu phương án cho vay tay ba: người nuôi – doanh nhiệp chế biến với doanh nghiệp sản xuất thức ăn; trong đó lấy doanh nghiệp sản xuất thức ăn làm trọng tâm để thực hiện vay vốn” và “nghiên cứu phương thức cho vay đặc thù như cho vay theo từng đơn hàng xuất khẩu”.

Chỉ riêng việc xuất khẩu nguyên con cá tra đã có nhiều vấn đề đặt ra cả cấp bách lẫn lâu dài. Vài vị lãnh đạo VASEP cho rằng, xuất khẩu cá tra nguyên con là đáp ứng nhu cầu của thị trường, chứ không phải theo ý muốn chủ quan, chỉ cần có lợi nhuận. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu cá tra nguyên con giá 1 USD/kg, cá tra bỏ đầu và nội tạng 1,5 – 1,6 USD/kg “cần phải sớm chấn chỉnh để hạn chế”. Hẳn nhiên, mọi người đều thấy, hiện nay cá tra chế biến chất lượng cao chỉ chiếm 0,7% tỷ trọng xuất khẩu là quá thấp. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng còn đặt vấn đề: “Xuất khẩu thịt của con cá tra chỉ là một phần, tảng băng chìm và còn nhiều cơ hội nằm ở phụ phẩm cá tra như xương, da, mỡ”.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *