Tàu đánh cá nào tốt?
Không từ bỏ tàu gỗ
Nhật Bản và Newfoundland đều có ngành đóng tàu phát triển từ sớm. Tuy nhiên, ngay cả những chuyên gia trong ngành đóng tàu cũng khẳng định, việc lựa chọn chất liệu đóng tàu phải hết sức linh hoạt và tùy thuộc từng hoàn cảnh, điều kiện và ngư trường đánh bắt cá. Ron Tobin, một chuyên gia đóng tàu tại Newfoundland, Canada cho biết, chất liệu chính để đóng tàu ở Newfoundland chủ yếu là gỗ và thép. Họ có những con tàu cao 50 – 150 ft. Thực tế, số lượng tàu vỏ thép đang tăng dần tại Newfoundland, các tàu đánh cá lớn hầu như đều được làm bằng chất liệu thép.
Trước những năm 1950, Newfoundland đã đóng tàu thép để ra khơi. Thời gian này, số lượng tàu đánh cá bằng thép không nhiều, khoảng 2 – 3 chiếc cỡ nhỏ, với chiều dài 25 ft, hầu hết tập trung ở cảng St.John. Sau những năm 1950, một vài con tàu lớn hơn được xuất xưởng, với chiều dài và kích cỡ tăng dần. Tuy nhiên, việc lựa chọn tàu đánh cá tại đây hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của ngư dân và bám sát quy luật của thị trường. Theo ngư dân trong vùng, tàu vỏ gỗ rất phù hợp để làm nghề đánh bắt cá liên quan đến các loại lưới, do khi kéo lưới, độ ma sát giữa lưới với tàu gỗ nhẹ hơn với tàu sắt nên thiết bị lâu hư hỏng hơn. Do đó, tàu gỗ của ngư dân được lắp đặt thiết bị hàng hải và thiết bị nghề cá hiện đại, hiệu quả không thua kém tàu vỏ thép.
Đầu tư tàu hiện đại nếu cần
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc hiện đại hóa đội tàu thuyền đánh cá là điều nên làm. Alaska là một ví dụ điển hình. Tháng 4/2014, xưởng đóng tàu Ketchikan tại Alaska đã cho xuất xưởng tàu đánh cá Arctic Prowler. Sean Parnell, người quản lý đóng tàu tại Ketchikan cho biết, đây không chỉ đơn thuần là tàu đánh cá hiện đại, mà còn là bằng chứng cho thấy, người Alaska có khả năng và sẽ tiếp tục đóng những con tàu hiện đại, đủ sức chống chịu thiên tai và vươn khơi. Con tàu này được dùng để đánh bắt cá tuyết ngoài khơi Đại Tây Dương, một trong những loài cá có giá trị kinh tế rất cao tại Alaska. Trước đó, Alaska cũng đặt mua tàu đánh cá Blue North. Hiện, con tàu này vẫn đang trong quá trình sản xuất tại bang Washington, dự kiến đầu năm 2015 sẽ xuất xưởng. Blue North được thiết kế bởi hãng đóng tàu nổi tiếng tại Na Uy. Với trang thiết bị hiện đại, ngư dân có thể ung dung ra khơi, không lo bão gió cũng như phải đối mặt với cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông trong những hành trình dài trên biển. Blue North hứa hẹn sẽ mang lại năng suất cao, chất lượng tốt, giảm thiểu sản lượng đánh bắt không mong muốn. Con tàu này dài 191 feet và có giá khoảng 36 triệu USD. Sau Blue North, Alaska đặt mua tàu đánh cá Northern Leader với chiều dài 184 feet, vừa xuất xưởng ở Tacoma vào năm ngoái, hiện tại đã bắt đầu ra khơi đánh bắt cá. Arctic Prowler là tàu dánh cá quy mô nhỏ hơn 2 con tàu nhập ngoại trên, tuy nhiên, lại hiện đại nhất được sản xuất tại Alaska. Người Alaska gọi đây là cuộc cách mạng thủy sản. Sự xuất hiện của những tàu cá hiện đại, đồng nghĩa các tàu đánh cá nhỏ, cũ kỹ và kém hiệu quả sẽ phải về hưu. Đó là bước tiến làm thay đổi diện mạo của toàn bộ ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản Alaska.
Arctic Prowler – tàu cá hiện đại đầu tiên được sản xuất tại Alaska
Trong khi đó tại Maroc, Bắc Phi, việc nâng cấp và hiện đại hóa đội tàu thuyền đánh bắt ở quy mô vừa và nhỏ đã được tiến hành từ năm ngoái. Chính phủ Maroc cho biết, việc hiện đại hóa tàu thuyền sẽ cải thiện chất lượng đánh bắt và tăng 20% doanh thu cho ngư dân. Đối với các tàu cá bằng gỗ ngư dân đang sử dụng, Chính phủ Maroc hỗ trợ nâng cấp bằng cách lắp đặt thêm thiết bị hiện đại như thiết bị bảo quản sản phẩm. Những thuyền đánh cá truyền thống với kỹ thuật đánh bắt thô sơ sẽ được thay thế dần bằng tàu cá chất liệu sợi thủy tinh hoặc composite. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ cũng như thời gian thực hiện cụ thể. Theo kế hoạch, Maroc sẽ thực hiện thí điểm một vài mô hình mẫu ở các cộng đồng nghề cá quy mô nhỏ vùng ven biển phía Bắc Tarfaya. Địa phương này sẽ được cấp 12 tàu đánh cá sợi thủy tinh và 33 tàu đánh cá chất liệu composite, theo tỉ lệ, 3 tàu/vùng. Ngư dân sẽ được hướng dẫn cụ thể để vận hành thử và đánh giá hiệu quả của phương tiện mới. Từ những đánh giá khách quan đó, chính phủ sẽ đưa ra kết luận mẫu tàu đánh cá nào thực sự đáp ứng nhu cầu của ngư dân để tiếp tục nhân rộng và phát triển.
Tàu cá Northern Leader xuất xưởng ở Tacoma năm 2013
Ngư dân tự quyết
Theo ông Seitaro R. Kojima, trưởng bộ phận tàu đánh cá, Trung tâm thủy sản tại Tokyo, Nhật Bản cho biết, không phải ngư dân nào cũng đặt quá nhiều kỳ vọng vào những con tàu vỏ thép. Những ngư dân khai thác nhỏ lẻ, đánh bắt ven bờ, những chiếc tàu gỗ vẫn là phương tiện đánh bắt thuận lợi nhất. Tuy nhiên, với các tổ đội đánh cá lớn xa bờ, có kinh nghiệm khai thác, quản lý, kinh doanh và biết điều hành tàu, chỉ có tàu vỏ thép, hiện đại mới đáp ứng được nhu cầu của họ. Ông Seitaro cũng cho biết, hiện tại, số tàu bè đánh bắt cá chất liệu thép tại Nhật Bản đã tăng dần lên do ngư dân đang vươn dần ra khơi xa, đánh bắt hải sản quy mô lớn. Trước đó, Trung tâm thủy sản tại Tokyo cũng đã tiến hành khảo sát xem ngư dân thích làm tàu vật liệu gì, từ đó có sự hỗ trợ về kỹ thuật hoặc vốn để nâng cấp tàu bè cho ngư dân. Những tàu gỗ thô sơ đánh bắt cá khi xưa vẫn tồn tại, nhưng được người Nhật giữ gìn như một nét truyền thống, bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch, như thuyền gỗ của ngư dân vùng Nagara, quận Gifu.
Chính phủ Nhật Bản cũng nhận ra, cần phải có kiến thức nhất định để bảo quản và vận hành tàu vỏ sắt, do đó, đội ngũ kỹ thuật được đưa về các vùng miền, thâm nhập vào đời sống của ngư dân, những người vốn chỉ đánh bắt bằng kinh nghiệm thực tế. Đây là cách thức ban đầu giúp ngư dân tiếp cận trang thiết bị hiện đại. Ngày nay, trình độ dân trí của ngư dân tăng cao, việc vận hành tàu bè hiện đại không còn vướng mắc nữa. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương ở Nhật còn sử dụng tàu composite, theo họ, nó hiệu quả hơn tàu vỏ gỗ hoặc vỏ sắt do nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu hơn, bảo dưỡng đơn giản và ít tốn kém hơn tàu gỗ. Hàng năm, một chiếc tàu gỗ phải lên xưởng đôi lần để cạo hàu bán, sửa vỏ, sơn phết còn tàu nhựa thì phải 3 – 4 năm mới bảo dưỡng 1 lần. Tuy nhiên, ngư dân phải mất 5 năm mới có thể thực sự làm chủ một con tàu trang thiết bị hiện đại. Tuy vậy, Nhật Bản hay Maroc đều không ồ ạt hiện đại hóa tàu bè đánh cá, mà làm thí điểm rồi mới nhân rộng. Do đó, việc lựa chọn tàu nào, chỉ những ngư dân thực sự có nhu cầu mới quyết định được.
Bình luận gần đây