Tạo thức ăn tự nhiên cho tôm
Các loại
Thực vật phù du: Ngoài là thức ăn của tôm, thực vật phù du còn được xem là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái nuôi thủy sản, nhân tố không thể thiếu để duy trì dòng năng lượng và chu kỳ dinh dưỡng. Trong quá trình nuôi, thức ăn dư thừa, phân của tôm và các chất hữu cơ, nhờ vi khuẩn sẽ chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng. Và những chất dinh dưỡng này sau đó sẽ được những thực vật phù du trong nước sử dụng, giúp chúng tăng sinh. Đổi lại, những thực vật đó sẽ làm giảm hàm lượng amoniac và nitrat có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch của tôm. Thực vật phù du có thể được xem là một nhân tố quản lý môi trường, nhờ vào mật độ của chúng mà đánh giá được mức độ ô nhiễm của nước.
Thực vật phù du là thức ăn đặc biệt quan trọng giai đoạn tôm mới thả. Ảnh: ST
Động vật phù du: Động vật phù du nói chung là những sinh vật nhỏ, không xương sống, đây là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời với nhiều axit amin thiết yếu cho tôm. Hơn nữa những sinh vật này phản ứng cực nhanh với các tác nhân gây stress môi trường, chúng sẽ là các “nhà máy lọc sinh học” trong việc quản lý ao nuôi. Động vật phù du sẽ có nhiều biến động hơn thực vật trong ao.
Yếu tố ảnh hưởng
Vi khuẩn chính là nguồn thức ăn của các động vật phù du, mà hệ vi khuẩn trong môi trường cũng thường biến đổi sau một thời gian. Vì vậy, sự thay đổi thành phần thức ăn theo giai đoạn của tôm sẽ làm thay đổi thành phần của quần thể sinh vật phù du trong ao.
Lượng chất thải trong ao sẽ tỷ lệ thuận với mật độ thả nuôi và có sự gia tăng số lượng đáng kể khi càng về thời điểm cuối vụ. Sự tích lũy chất hữu cơ quá nhiều sẽ gây ra tình trạng thiếu ôxy cho tôm, do có quá nhiều sinh vật (tảo, vi khuẩn…) phải sử dụng ôxy cùng một lúc, khi đó nhiều loại khí độc dưới lớp nền đáy sẽ có cơ hội phát sinh. Cùng lúc đó, mật độ động vật phù du lại giảm dần khi lượng ôxy hòa tan ngày càng thấp, nhất là khu vực đáy ao.
Phương pháp
Để gây tạo được thức ăn tự nhiên tốt, người nuôi cần bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho các sinh vật này phát triển trong ao. Sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1,2 – 1,5 m, tiến hành gây nuôi copepods, các loài phiêu sinh động vật, giáp xác nhỏ khác (krill) và động vật thân mền sống đáy (giun nhiều tơ, hai mảnh vỏ…) bằng cách dùng cám gạo lên men với chế phẩm sinh học (probiotics). Tuyệt đối không bổ sung nguồn copepods hay các sinh vật khác vào ao nuôi tránh lây nhiễm mầm bệnh.
Ngoài ra, nuôi tôm với mật độ quá dày và bổ sung quá nhiều thức ăn cũng ảnh hưởng tới nguồn thức ăn tự nhiên của tôm. Việc này khiến chất thải hữu cơ tích lũy nhiều trong lớp bùn đáy ao, làm độc tố phát sinh, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, phát triển và sự phong phú của cả quần thể động vật phù du lẫn tôm trong ao. Vì vậy định kỳ xử lý khí độc, lớp bùn đáy ao cũng là một vấn đề quan trọng mà người nuôi không được bỏ qua.
>> Đối với những ao được gây tạo thức ăn tự nhiên ban đầu thì tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống của tôm luôn cao hơn so với những ao được nuôi chỉ bằng thức ăn chế biến. Ngoài ra ao nuôi sẽ ít khí độc, tảo độc… Đặc biệt đối với ao thâm canh tôm rất ít bệnh đường ruột, phân trắng, gan tụy, tôm chết sớm.
Nguyễn Hằng
Bình luận gần đây