Tạo dựng giá trị thương hiệu tôm Việt

Truy xuất thời 4.0

Xây dựng giá trị thương hiệu tôm Việt Nam chính là đặt tiền đề cho sự phát triển bền vững. Giá trị thương hiệu được xem là giá trị có ý nghĩa về mặt tài chính mà khách hàng sẵn sàng chi trả khi mua một thương hiệu hay sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu. Với doanh nghiệp, giá trị thương hiệu là sự đảm bảo các dòng thu nhập. Bởi vậy, việc quảng bá và nâng cao giá trị cho thương hiệu chính là tạo lợi thế cạnh tranh và là tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.

Một thương hiệu có uy tín phải được cộng đồng quốc tế, các quốc gia, các thị trường và người tiêu dùng chấp nhận, đánh giá cao. Một nhà nhập khẩu từ châu Âu chia sẻ: “Tại châu Âu, đa phần sản phẩm tôm Việt Nam được tiêu thụ trong các chuỗi siêu thị. Muốn có mặt tại đó thì các sản phẩm phải đạt được các chứng nhận về nuôi trồng chế biến và xuất khẩu khắt khe nhất”.

Tôm được chứng nhận BAP có logo BAP được xem là một loại “tem” chất lượng ở các thị trường trên thế giới. Giá tôm bán cao hơn 11% so với tôm không được chứng nhận. Hơn 90% các nhà bán lẻ tại thị trường Bắc Mỹ và 75% các nhà bán lẻ tại thị trường EU… yêu cầu thủy sản phải đáp ứng với sự bền vững của môi trường. Các tiêu chuẩn chứng nhận đã và đang được áp dụng trong NTTS ở Việt Nam như: SQF, GlobalGAP, ASC, BAP, Naturland, AquaGAP, VietGAP… tập trung vào các yêu cầu  đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và  truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Trong thời đại toàn cầu hóa thông tin, kỷ nguyên của 4.0, các nhà nhập khẩu châu Âu đều cho biết: “Khách hàng ngày nay có nhu cầu và sở thích truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên bàn ăn của họ đến từ nước nào, thậm chí từ vùng nào, trang trại ra sao, quy trình làm ra nó như thế nào! Một sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc rất khó thuyết phục khách hàng”.

Giá trị thương hiệu cũng là uy tín của một quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề truy xuất nguồn gốc luôn nóng bỏng trong các hiệp định thương mại tự do bởi chỉ có sản phẩm xuất xứ trong nội khối mới được miễn giảm thuế và từ đó có tính cạnh tranh cao hơn hẳn. Nếu tôm từ các quốc gia khác “đội lốt” tôm Việt Nam tất nhiên sẽ không thể lọt vào các thị trường thương mại tự do.

Ảnh: Phan Thanh

Phát huy nội lực

Việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do và hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu đã bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải hoàn thiện, “nâng tầm” bản thân với tinh thần tự lập tự cường.

Trong những năm gần đây, thay vì nhập khẩu tôm nguyên liệu để xuất đi kiếm lời, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam đã dành phần lớn nguồn lực của mình để tổ chức các vùng nuôi, liên kết với địa phương, người dân, các viện trường để tạo ra các sản phẩm 100% thuần Việt. Trong các diễn đàn đối thoại, người ta ít còn nghe những lời phàn nàn của người nuôi tôm về việc doanh nghiệp nhập khẩu tôm ngoại mà bỏ quên nông dân. Ngược lại, mối quan hệ giữa doanh nghiệp xuất khẩu và các vùng nuôi trở nên gắn bó máu thịt hơn bao giờ hết. Tất cả vì một giá trị chung “thương hiệu tôm Việt”.

Rõ ràng tư tưởng “cái gì ngon cái gì tốt thì dành cho xuất khẩu” đã lỗi thời. Đã là sản phẩm tôm Việt Nam thì dù xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa cũng vẫn phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe nhất. Rất nhiều khách du lịch Hàn Quốc khi sang Việt Nam đã chọn đi du lịch tại các vùng nuôi tôm để thưởng ngoạn cảnh người dân đồng bằng nuôi tôm sinh thái và thưởng thức sản phẩm tôm ngay tại Việt Nam. Những du khách này nhận xét: “Khung cảnh nuôi tôm tại Việt Nam còn đẹp hơn những gì truyền hình Hàn Quốc chiếu và ăn tôm tại Việt Nam càng thấy ngon và hấp dẫn hơn!”.

Tuy nhiên, việc nuôi trồng theo tiêu chuẩn quốc gia vẫn gặp không ít khó khăn. Là quy phạm thực hành nuôi trồng bền vững của quốc gia bao gồm 104 tiêu chí, nhưng VietGAP chưa thật sự thu hút được người nuôi tôm, lý do là người nuôi phải bỏ thêm chi phí để đánh giá chứng nhận, trong khi một số nhà máy chế biến chưa quan tâm đến tôm VietGAP.

Chứng nhận quốc tế

Năm 2021, Tập đoàn Việt Úc chuyên sản xuất giống TTCT và giống tôm sú chất lượng cao đã vinh dự nhận được chứng nhận quốc tế BAP. Đây là chứng nhận rất uy tín trên toàn cầu đối với sản phẩm tôm giống.

Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sở hữu rất nhiều chứng nhận quốc tế uy tín như: ASC, BAP, GlobalGAP, EU ORGANIC, CANADA ORGANIC, BRC, IFS, ISO 14000, ISO 22000, BSCI, WRC, HALAL.

Cà Mau, Bạc Liêu và nhiều tỉnh thành đã và đang đẩy nhanh việc xây dựng các hợp tác xã, các vùng nuôi có chứng nhận quốc tế về nuôi trồng thủy hải sản bền vững. Hiện tỉnh Cà Mau có 19.000 ha được đánh giá và cấp các chứng nhận nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, BAP, EU, VietGAP,… với khoảng 4.200 hộ dân tham gia mô hình nuôi, sản lượng tôm có chứng nhận đạt năng suất trên 10.000 tấn/năm.

Trong một cuộc hội thảo về chứng nhận quốc tế trong NTTS tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chủ trang trại cho biết: “Chi phí để có được chứng nhận quốc tế là khá tốn kém, nhưng để tạo dựng thương hiệu, chúng tôi vui vẻ thực hiện để tôm Việt Nam ngày càng vươn xa”.

Khi thị trường EU siết chặt các tiêu chí về chất lượng, truy xuất nguồn gốc thì nhiều dòng tôm giá rẻ trong đó có tôm Ấn Độ tỏ ra thất thế trước tôm Việt Nam. Rõ ràng việc xây dựng thương hiệu, thực hiện nuôi trồng xuất khẩu đạt các chứng nhận khắt khe nhất của thế giới đang giúp tôm Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên những thị trường quan trọng nhất là EU và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trần Nguyên

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *