Tăng tốc xuất khẩu nhờ tận dụng FTA

Điều này cho thấy, các DN Việt Nam đang tận dụng ngày càng hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tăng trưởng trong khó khăn

Thông tin từ Bộ Công Thương, hiện trong số 16 FTA mà Việt Nam tham gia, 13 FTA đã có hiệu lực (1 FTA sắp có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán). Những FTA này là đòn bẩy để XK hàng hóa của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ trong năm 2021. Minh chứng rõ nhất khi trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 48,7 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Cơ hội lớn thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhờ tận dụng. FTA. Ảnh: Việt Dũng

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, đa số nhóm các mặt hàng duy trì được mức tăng trưởng XK cao từ đầu năm đến nay đều liên quan đến hàng tiêu dùng, sử dụng trong nhà trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp như: Nhóm hàng đồ gỗ nội thất, máy móc thiết bị điện tử máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động… Bên cạnh đó, nhóm hàng nông sản cũng tăng trưởng mạnh. Đơn cử như thủy sản – một trong những mặt hàng tăng tốc XK ngay từ đầu năm 2021, đưa kim ngạch XK bật tăng trở lại với giá trị 1 tỷ USD, trái ngược với sự sụt giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đáng chú ý, kim ngạch thương mại song phương Việt – Anh bứt phá ngoạn mục ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa 2 nước (UKVFTA) có hiệu lực tạm thời ngày 1/1/2021, với kim ngạch đạt trên 598 triệu USD trong tháng 1/2021, tăng 84,6% so với cùng kỳ. Trong đó, một trong những ngành hàng có nhiều cơ hội nâng cao giá trị XK, tỷ trọng trong cơ cấu thị trường thông qua nhiều ưu đãi về thuế quan trong UKVFTA là nông sản có kim ngạch XK tăng cao, đạt trên 19,7 triệu USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ, riêng mặt hàng rau quả đạt hơn 1 triệu USD, tăng gần 150%.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng kim ngạch XK tăng trưởng mạnh cũng có không ít mặt hàng sụt giảm đáng kể. Trong đó, điển hình là dệt may, da giày bởi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các thị trường XK chủ lực như EU, Mỹ…

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm chia sẻ, năm nay, thị trường dệt may tiếp tục khó khăn do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội phát triển từ các FTA. Vitas nhận định, từ 2021 – 2023 là giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 với sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng và phương thức vận hành. Dự kiến đến giữa hoặc cuối năm 2023, thị trường dệt may mới quay lại ngưỡng XK năm 2019. Tương tự, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân, da giày là một trong những ngành tận dụng tốt nhất EVFTA. Dự báo XK ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 – 20% trong năm 2021 trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Chỉ ra các giải pháp tận dụng được cơ hội từ các FTA, nhiều chuyên gia cho rằng, DN XK cần tập trung kết nối liên kết chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ và thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị. TS Lê Huy Khôi – Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) khuyến nghị: “Tuy các FTA dành cho DN và hàng Việt nhiều ưu đãi, nhưng để tận dụng được, các DN phải đặc biệt lưu ý thói quen mua sắm của khách hàng tại các nước thành viên FTA. Đó là hàng hóa đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm; đáp ứng các quy định về xuất xứ, vấn đề lao động, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của DN trong quá trình sản xuất”.

“Nguyên nhân kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng ngay từ đầu năm, là nhờ tác động tích cực của các FTA và DN đã tận dụng tốt hơn những lợi thế về thuế suất. Dư địa cho XK cũng mở rộng hơn so với trước.” – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)n Trần Thanh Hải

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *