Tăng sức cạnh tranh nhờ truy xuất nguồn gốc

Thu hoạch tôm nuôi ở Quảng Bình   Ảnh: Hồng Thắm

Thu hoạch tôm nuôi ở Quảng Bình Ảnh: Hồng Thắm

Sự minh bạch thiết yếu

Băn khoăn của người tiêu dùng về xuất xứ, chất lượng thực phẩm sẽ dễ dàng được giải tỏa khi phương pháp “truy xuất nguồn gốc điện tử” của thực phẩm được áp dụng. Bà Võ Ngân Giang – Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết: “Trên mỗi sản phẩm được bán ra có mã truy xuất được in trên bao bì, khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối thì có thể dùng mã đó để kiểm tra. Họ có thể gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin; hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm”.

Theo các chuyên gia, xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu trên thế giới luôn muốn biết sản phẩm được sản xuất từ đâu, đi qua những chỗ nào. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế, đòi hỏi hết sức gay gắt.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng thành công giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm góp phần làm tăng giá trị nông, thủy sản, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Bởi lẽ, thị trường thế giới đòi hỏi rất cao và khắt khe về chất lượng cũng như nguồn gốc của thực phẩm nên phương pháp này cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi đi ra thế giới.

Truy xuất nguồn gốc

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã phối hợp với Công ty CP Thanh Hương xây dựng mô hình nuôi TTCT theo VietGAP. Mô hình gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, cung cấp cho thị trường sản phẩm nông nghiệp có truy xuất nguồn gốc điện tử. Mô hình thực hiện trên 2 ao nuôi tôm có tổng diện tích 6.000 m2 với mục tiêu chuyển giao quy trình nuôi TTCT theo VietGAP cho người nuôi, đồng thời bảo đảm sản phẩm tôm nuôi đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc điện tử. Kết quả của mô hình nuôi TTCT theo VietGAP tại Công ty CP Thanh Hương cho thấy, quy trình VietGAP giúp người nuôi tôm kiểm soát tốt được chất lượng nguồn nước, dịch bệnh, hạn chế rủi ro và tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình là phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, thân thiện với môi trường nhờ giảm lượng thuốc, hóa chất do sức khỏe tôm tốt, môi trường ổn định hơn; kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa. Sản phẩm tôm nuôi theo VietGAP bảo đảm đủ các tiêu chí: an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình cho biết, năm 2017, Trung tâm phối hợp với Công ty CP Thanh Hương triển khai mô hình nuôi TTCT theo VietGAP để tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, sản phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng thông qua việc quét mã vạch bằng cách ứng dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Đây chính là cơ sở để nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết, hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững.

Vẫn nhiều khó khăn

Phương pháp “truy xuất nguồn gốc” sản phẩm đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada… Trong khi đó, tại Việt Nam, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn lỏng lẻo.

Trong bối cảnh người nuôi tôm chịu nhiều rủi ro do tôm bị dịch bệnh, thị trường xuất khẩu có tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, việc tuân thủ quy trình sản xuất tôm an toàn theo VietGAP là yêu cầu cấp bách đặt ra cho người nuôi tôm  hiện nay. Tuy nhiên, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn, do nhiều hộ nuôi chưa quen ghi chép sổ sách, hạ tầng vùng nuôi còn yếu kém, diện tích nhỏ lẻ và chưa có sự rạch ròi giữa sản phẩm tôm VietGAP và tôm thông thường, giá bán không cao. Nhiều hộ dân nuôi nhỏ lẻ không muốn áp dụng VietGAP vì cho rằng các tiêu chí còn rườm rà và nhiều tiêu chí cần phải có kinh phí đầu tư.

Thực tế, chỉ một số ít các doanh nghiệp sản xuất được theo phương pháp này, một số đang theo đuổi nhưng chưa thực hiện được trọn vẹn phương pháp. Bà Võ Ngân Giang chia sẻ: Với tình hình hiện nay ở Việt Nam nên bắt đầu từ những siêu thị, nơi mà đòi hỏi thực phẩm có nguồn gốc, nơi sản xuất, thực hiện mua bán qua hợp đồng, thực hiện phương pháp “truy xuất nguồn gốc” từ đó dần rồi mở rộng phạm vi.

Điều này cũng cần có sự vào cuộc của rất nhiều bên, vì mỗi thực phẩm để đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều khâu, muốn truy xuất ngược lại thì cần sự hợp tác của tất cả các khâu đó, đòi hỏi trách nhiệm và sự trung thực tuyệt đối của mỗi bộ phận thì hệ thống mới có thể duy trì.

>> Theo các chuyên gia: Để đưa truy xuất nguồn gốc điện tử vào thực hiện rộng rãi cần vận động, thuyết phục nhằm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và có sự tham gia của các cơ quan quản lý. Việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp xuất khẩu về truy xuất nguồn gốc điện tử là yếu tố tất yếu góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *