Tăng doanh số nhờ kích cầu thủy sản
Nâng cao nhận thức
Để kích cầu tiêu thụ, nhiều nhà cung cấp thủy sản cho rằng việc cần làm trước tiên là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của thủy sản. Slow Fish ở Genoa, Italia là một sự kiện quảng bá thủy sản thường niên dành riêng cho trẻ em được tổ chức từ năm 2007. Nhóm đối tượng khách hàng nhí thường chưa nhận thức được tầm quan trọng và nguồn gốc của thủy sản trong bữa ăn hằng ngày. Do đó, hằng năm, nhiều hội chợ trưng bày thủy hải sản, ngư cụ đánh bắt bằng mô hình, sách báo được mở ra tại Italia để nâng cao nhận thức cho trẻ em. Các em trực tiếp tham gia nấu ăn tại hội chợ và thưởng thức tác phẩm của mình. Tại Anh, các tiết học ngoại khóa về tầm quan trọng của thủy sản được đưa vào chương trình giảng dạy. Các em sẽ làm quen các loại thủy sản, cách thức đánh bắt, nuôi trồng thông qua mô hình, tranh ảnh, trò chơi. Tại Brazil, Hiệp hội các siêu thị, Bộ Thủy sản Brazil cùng hợp tác tổ chức “Tuần lễ thủy sản” thường niên nhằm tuyên truyền lợi ích thủy sản. Trong dịp này, giá nhiều mặt hàng được khuyến mãi. Mỗi năm, hơn 300 siêu thị ở Brazil tham gia sự kiện này, doanh số bán hàng từ thủy sản tăng 30%.
Các chiến dịch quảng bá thủy sản đều hướng tới hình ảnh sản phẩm sạch và bền vững – Nguồn: foodandrink
Khi thâm nhập thị trường nước ngoài, việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng với mặt hàng đóng vai trò quan trọng. Trường hợp này, các kênh truyền thông là công cụ hiệu quả. Điển hình là chiến dịch quảng bá “Twice A Week” của các nhà cung cấp thủy sản Anh tại Đan Mạch. Nhà cung cấp thủy sản Anh kết nối với Trường Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, tổ chức y tế Heart Foundation và các phân khúc bán lẻ tại Đan Mạch. Heart Foundation cung cấp thông tin quan trọng: người tiêu dùng Đan Mạch không ăn đủ cá theo khuyến nghị vì cho rằng cá khó chế biến, bất tiện, ít dinh dưỡng. Từ thông tin trên, nhà cung cấp của Anh đã định hình được những thông điệp cần truyền tải, từ đó thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen ăn uống. Ngoài ra, các nhà tổ chức cũng xây dựng một website cung cấp thông tin chi tiết về các loại cá kèm công thức nấu ăn được cập nhật liên tục mỗi tuần. Một đường link ngay tại website được thiết kế tạo thuận lợi cho người tiêu dùng đăng nhập, nhận bản tin tuần gồm công thức nấu ăn. Sách dạy nấu các món thủy sản đơn giản cũng được tung ra. Nhờ đó, sản lượng cá bán ra cũng như doanh thu của các phân khúc bán lẻ đều tăng nhanh.
Tiếp thị hiệu quả
Tại nhiều thị trường, trước khi thâm nhập cần tìm hiểu và khoanh vùng nhóm khách hàng tiềm năng từng thời điểm. Năm 2011, nhiều nhà cung cấp thủy sản đã hợp tác với Bộ Thủy sản Indonesia tổ chức chuỗi hội chợ quảng bá hình ảnh, lợi ích của việc tiêu dùng thủy sản tới nhóm khách hàng đặc biệt là các bà mẹ tương lai. Trước đó, những nhà cung cấp này đã khảo sát thị trường và nắm được thông tin Chính phủ Indonesia đang muốn tăng cường tiêu thụ thủy sản trên toàn quốc, tăng hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của người dân, do phát hiện rất nhiều trẻ em Indonesia bị thiếu hụt Omega-3. Do đó, các bà mẹ tương lai được coi là đối tượng khách hàng tiềm năng, những người đóng vai trò quyết định khẩu phần ăn của các thành viên khác trong gia đình.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần dến những chiến dịch quảng bá hình ảnh quy mô lớn để tiếp cận thị trường. Có thể thâm nhập thị trường bằng công cụ đơn giản, ít tốn kém như các nhà cung cấp thủy sản New Zealand (PauaCo, Pure New Zealand Greenshell Mussels, Pacific Marine Farms…). Họ tấn công thị trường thủy sản Trung Quốc qua Tmall – một website bán lẻ phổ biến tại Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc có thể đặt mua thủy sản tươi sống từ New Zealand, hàng hóa sẽ có mặt tại Thượng Hải bằng máy bay sau 36 giờ và tới tay người tiêu dùng khắp Trung Quốc trong 72 giờ. Kênh bán hàng này giúp tiếp cận thị trường hiệu quả và tăng doanh số bán hàng. Cách kinh doanh của những công ty này là sử dụng mô hình kinh doanh thương mại điện tử B2C, gồm các giao dịch thương mại trên internet giữa doanh nghiệp với khách hàng. Tuy nhiên, hầu hết các chiến dịch quảng bá hình ảnh hay xúc tiến thương mại đều hướng tới tâm lý chung của người tiêu dùng luôn quan tâm, đề cao thực phẩm sạch, an toàn sức khỏe. Bởi vậy, dù chiến dịch quy mô và hiệu quả đến mấy, nếu thực phẩm không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ khó tồn tại lâu dài trên thị trường.
Bình luận gần đây