Tăng cường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quy mô thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan trong 10 tháng đầu năm 2023 (tăng 5,1% so với cùng kỳ 2022), đạt gần 50 tỷ USD. Đây là một trong số ít những thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu.

Ông Vương Văn Đào, Bộ Thương mại Trung Quốc; Ảnh: Bộ Công thương

Tại cuộc họp, trên cơ sở vai trò và tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Trung, hai Bộ trưởng đã đi sâu trao đổi về: (i) một số vấn đề cần giải quyết và lĩnh vực trọng điểm cần tăng cường hợp tác thời gian tới; (ii) những định hướng quan trọng trong tương lai nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Trung phát triển theo hướng ổn định hơn, cân bằng hơn và bền vững hơn; và (iii) chuẩn bị thành quả cho chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao thời gian tới.

Về đề nghị của Việt Nam trong phối hợp phân luồng thông quan nhằm tránh tái diễn ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào khẳng định, rất coi trọng và sẵn sàng phối hợp triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thông quan nhằm đảm bảo lợi ích của người nông dân Việt Nam. Về việc hỗ trợ phát hiện thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, phía Trung Quốc sẽ cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Theo ông Đào, Việt Nam đã xây dựng được gian hàng quốc gia trên một số nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc; nhiều sản phẩm của Việt Nam rất được ưa chuộng và bán rất chạy.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng ủng hộ việc thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, đề nghị phía Việt Nam tăng cường trao đổi, đạt được thống nhất với các địa phương dự kiến thành lập văn phòng xúc tiến thương mại thời gian tới như Giang Tô, Tứ Xuyên. Đồng thời, đề nghị hai bên cùng trao đổi, thúc đẩy Bộ Ngoại giao (cơ quan chủ trì) đẩy nhanh các thủ tục liên quan để có thể thành lập văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Bộ Công thương

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm và thảo luận tại cuộc họp đó là giải pháp tháo gỡ khó khăn khi xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Trước vấn đề này, ông Vương Văn Đào, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với Hải quan Trung Quốc, đồng thời các cơ quan chủ quản hai nước cần sớm triển khai công tác kiểm tra đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để tôm hùm bông có thể được xuất khẩu vào Trung Quốc.

Chia sẻ tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cũng đưa ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc đó là: Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam; thúc đẩy ký kết thỏa thuận khung về thương mại gạo giữa hai nước; đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông khi nhập khẩu vào Trung Quốc; mở rộng danh sách các cửa khẩu biên giới Trung Quốc với Việt Nam được phép nhập khẩu nông sản, thủy sản, lương thực. Hoàn tất các thủ tục thành lập văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc trong năm 2023; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại; triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết như “Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt – Trung”; ủng hộ, tạo thuận lợi và dành ưu đãi để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hiện diện, thuê kho bãi và xuất khẩu qua các khu thí điểm thương mại điện tử hay khu thí điểm thương mại tự do của Trung Quốc…

Hải Lý

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *