Tận dụng ưu đãi từ các FTA phát triển bền vững ngành thủy sản

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Cần Thơ, thành phố có 66 doanh nghiệp thủy sản, riêng xuất khẩu vào thị trường EU là hơn 50 doanh nghiệp. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu thủy sản điển hình như cá tra phi lê đông lạnh, cá tra nguyên con, cá tra xẻ bướm, cá đông lạnh, tôm đông lạnh, tôm đóng hộp, ghẹ đóng hộp, cá mòi, chả cá, chả cá surimi, cá tra sushi, cá tra sashimi…Các mặt hàng xuất khẩu như cá tra, tôm vẫn duy trì ổn định tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của thành phố đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu.

Tại Hội nghị, ông Ngô Chung Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên chia sẻ, để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như hiện thực hóa các giải pháp để ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục phát triển cần quan tâm đến 5 vấn đề: Nguồn nguyên liệu, thức ăn và con giống; Tiếp cận vốn tín dụng; Tiếp cận thị trường và đơn hàng; Thông tin về quy định nước ngoài; Xây dựng thương hiệu.

Sản lượng thủy sản Cần Thơ. Nguồn: Cục Thống kê Cần Thơ

Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp nêu ra một số lợi thế của các FTA mang giúp phát triển lâu dài cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng các vấn đề liên quan xuất xứ hàng hóa, cước phí vận tải, chứng nhận nuôi trồng, sự vắng bóng của các HTX trong nguồn cung; việc gỡ thẻ EC đang đặt ra thách thức không hề nhỏ đối với ngành cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới với 16 FTA đã được ký kết và thực thi, 3 FTA đang đàm phán. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt thủy sản dù liên tục ghi nhận tăng trưởng nhưng giá trị thu về còn khá hạn chế.  

Tham dự Tọa đàm, bà Vũ Thùy Linh, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) nhận định, những vấn đề tồn tại trong việc nuôi trồng, chế biến, đánh bắt, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường đối tác FTA (tập trung vào các thị trường CPTPP, EU và UK) liên quan đến phòng vệ thương mại; nguồn cung vật liệu, vật tư; trách nhiệm với môi trường, xã hội và phát triển bền vững…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, các con số từ kim ngạch xuất khẩu và tỷ trọng ngành thủy sản Việt Nam tại các thị trường FTA dường như cho thấy sự nghịch lý. Trước hết là chi phí sản xuất, nguyên nhân chính xuất phát từ các mắt xích trong chuỗi giá trị hình thành sản phẩm còn nhiều vấn đề, năng suất thấp. Dù đã đạt nhiều tiến bộ, đạt các tiêu chuẩn cao về chất lượng, nhưng thủy sản Việt Nam vẫn đối mặt với các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đơn cử như việc đáp ứng tiêu chuẩn ASC (xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động) đang được coi là tiêu chuẩn cao nhất trong ngành thủy sản. 

Khi đạt chuẩn ASC, doanh nghiệp có thể tự tin khi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU, Vương quốc Anh. Tuy nhiên, thời gian tới việc đạt chuẩn ASC chưa chắc đã bảo đảm việc xuất khẩu bền vững sang các thị trường này bởi EU và có thể trong tương lai Vương quốc Anh sẽ áp dụng các quy định kiểm tra chuỗi cung ứng hay cấm nhập khẩu hàng hóa sử dụng lao động cưỡng bức. Trong khi, quy định kiểm tra chuỗi cung ứng, thủy sản là một trong những ngành có nguy cơ bị giám sát chặt chẽ nhất.

Về một số giải pháp đối với thành phố Cần Thơ trong thời gian tới, ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, nhất là trước xu hướng gia tăng các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm Logistics hạng II và Trung tâm Logistics hàng không tại thành phố Cần Thơ. Tăng cường liên kết các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại giữa thành phố với các tỉnh, thành trong nước và đối tác quốc tế. 

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, hệ thống các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại nước ngoài nhằm hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm, hàng hóa của thành phố đến với người tiêu dùng nước ngoài. Tăng cường hỗ trợ, quảng bá xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng thủy sản, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của thành phố.

Minh Khuê

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *