“Sức nóng” thị trường cua cuối năm
Giá giảm liên tục
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm trong tuần qua và đang trên đà tăng tiếp cùng với nỗ lực hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế và kìm hãm lạm phát. Nền kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng 2,6%, dẫn đầu là xuất khẩu năng lượng trong quý III, trong khi lạm phát tiếp tục ở mức cao 8,2% so với năm 2021. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng của nền kinh tế, nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục mở hầu bao dù giá thủy, hải sản đã cao hơn 6,2% so cùng kỳ năm ngoái. Một số người tiêu dùng khác đang bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng để hỗ trợ chi tiêu.
Theo Bộ Lao động Mỹ, giá thực phẩm tháng 9/2022 đã tăng 13% so cùng kỳ năm trước. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng ghi nhận giá cả hàng hóa vẫn đang tăng khiến 21% người tiêu dùng có thể cắt giảm khối lượng tiêu thụ thịt, cá tươi hàng ngày. Họ đang có xu hướng tiêu dùng thực phẩm thay thế giá rẻ hơn. Nhìn chung, doanh số bán hàng thủy sản tươi sống và đông lạnh tại Mỹ giảm trong tháng 9, trong đó những mặt hàng giá trị cao như cua và nhuyễn thể có mức giảm mạnh nhất. Cụ thể, doanh số mặt hàng cua biển giảm 14%, tôm giảm 17%, tôm hùm giảm 10% so cùng kỳ năm ngoái.
Nga dẫn đầu thế giới về sản xuất cua huỳnh đế. Ảnh: AP
Giá cua biển tại thị trường Mỹ tiếp tục lên xuống thất thường. Từ đầu năm 2022, giá cua tuyết giảm giảm hơn 50% và sau khi phục hồi 10% với một số sản phẩm vào tháng 9/2022, giá duy trì ổn định suốt tháng 10/2022. Tín hiệu tích cực, giá cua tuyết hiện tại Mỹ quay về mức trước đại dịch dù tiêu thụ vẫn chậm hơn so dự kiến. Nhập khẩu cua tuyết của Mỹ trong tháng 9 từ tất cả các nguồn đều giảm 30%, tương ứng 38 triệu pound. Tuy nhiên, lượng cua tồn kho của năm 2022 sẽ được dồn sang năm 2023 vì không bán được hết. Giá cua huỳnh đế đỏ và vàng giảm trung bình hơn 40% kể từ tháng 1/2022. Từ đó, giá hai mặt hàng này liên tục đi xuống cho đến tháng 9/2022, thời điểm các nhà cung cấp cố gắng tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới và quy mô nhỏ hơn.
Lệnh cấm của Mỹ đối với thủy sản của Nga đã bắt đầu tạo hiệu ứng lan tỏa khắp thị trường quốc tế. Giá cua tuyết và cua huỳnh đế trong các phiên đấu giá gần đây của Nga đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong nhiều năm. Giá thị trường của cua huỳnh đế đỏ tươi sống Barents đã giảm 25% trong tháng qua. Tuy nhiên, nhờ giá giảm nên thị phần cua tuyết Nga tại Nhật Bản tăng từ 44% lên 66%.
Cua Nga giữ ngôi đầu
Nga dẫn đầu thế giới về sản xuất cua huỳnh đế và đứng thứ 2 về cua tuyết. Hạn ngạch khai thác hai loại cua này trong năm 2023 sẽ được công bố sớm và dự kiến tăng nhẹ so với năm 2022.
Năm ngoái, cua huỳnh đế của Nga chiếm lĩnh thị trường Mỹ với thị phần 91%, trong khi cua tuyết chiếm 27%. Do thị trường Mỹ đóng cửa, một lượng lớn cua huỳnh đế đỏ tươi sống và cua tuyết Barents phải tìm đường sang châu Á khiến dòng chảy thương mại toàn cầu bị xáo trộn. Tuy vậy, lượng cua tồn kho của Nga đang ở mức cao và còn tiếp tục tăng. Tính đến ngày 23/10/2022, báo cáo của SSD cho thấy, vùng Viễn Đông Nga có 43 tàu khai thác cá và cua tuyết; 12 tàu khai thác cua huỳnh đế đỏ, trong đó có 2 tàu sản xuất cua sống và chân cua chín. Số lượng tàu khai thác cua tuyết Opilio là 16 tàu với hai tàu cung cấp cua sống và một tàu sản xuất của đông lạnh cho Nhật Bản. Thống kê chính thức của Hội Nghề cá Barents, toàn vùng có 6 tàu đánh bắt và chế biến cua. Một tàu chuyên cung cấp cua tươi sống, năm tàu còn lại bán cua đã qua chế biến. Dự kiến, Nga sẽ xuất khẩu toàn bộ số cua này sang châu Á.
Na Uy đã xuất khẩu 110 tấn cua huỳnh đế, tương đương 77 triệu NOK trong tháng 10, tăng 49% về giá trị và 7% về lượng so cùng kỳ năm ngoái. Mỹ, Canada và Hà Lan là những thị trường chính nhập khẩu cua huỳnh đế trong tháng 10. Tuy nhiên, lượng cua Na Uy xuất khẩu sang châu Á lại giảm 4,8 triệu pound do cua Nga giá rẻ tràn ngập khu vực này. Trong tháng 9/2022, Na Uy chỉ xuất khẩu được 18 tấn cua huỳnh đế đỏ tươi sống sang Hàn Quốc, thấp hơn nhiều so mức 144 tấn của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá bán cua huỳnh đế Na Uy đang cao hơn 15 USD/kg so với cua Nga.
Giá bán và khối lượng xuất khẩu cua tuyết của Canada liên tục giảm hàng tồn kho từ mùa trước vẫn ùn ứ. Từ đầu tháng 1/2022 đến cuối tháng 8/2022, cua tuyết cỡ 5 – 8 oz và trên 8 oz đều giảm hơn 50%. Sang tháng 9, giá cua tuyết Canada tăng nhẹ nhưng tiêu thụ chưa phục hồi bởi lượng nhập nhập khẩu của Mỹ giảm 8% so cùng kỳ 2021. Hạn ngạch khai thác cua tuyết năm 2022 tăng lên 95.963 tấn, buộc các nhà sản xuất cua tuyết Canada phải tập trung bán hàng sang Mỹ vì cua Nga đang chiếm lĩnh hầu hết các thị trường quốc tế khác.
Tín hiệu tích cực duy nhất ghi nhận tại thị trường Trung Quốc với khối lượng xuất khẩu cua tuyết đông lạnh trong tháng 9 tăng 6% lên 3.525 tấn. Giá bán cua cũng tăng 17% so cùng kỳ, đạt 19,44 USD/kg. Nhập khẩu cua tuyết sống Canada vào Trung Quốc cũng tăng 26,7% lên 4.598 tấn với giá trung bình 19,66 USD/kg, giảm 8,5% so cùng kỳ. Xuất khẩu cua tuyết Canada sang Nhật Bản giảm 13% suốt tháng 9. Nhiều hãng kinh doanh tại Canada cho biết, nếu giá cua Nga còn tiếp tục giảm, thì sản phẩm cùng loại của Canada còn phải chật vật cạnh tranh và gặp khó cho đến hết năm nay.
Vũ Đức
Tổng hợp
Bình luận gần đây