Sức hút thủy sản Việt tại EVFTA
Bước phát triển mới
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Ngành thủy sản đánh giá Hiệp định này có tính thiết thực rất cao, giúp hàng hóa lưu thông và quyền lợi người nông dân được cải thiện. Đầu tiên phải kể đến là những ưu đãi về thuế, khi mà mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU hiện nay trung bình là 14%, trong đó, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%. Nhưng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì có khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%; số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3 – 7 năm. Tổng cộng, sẽ có tới 90% số dòng thuế suất của mặt hàng thủy sản được cam kết cắt giảm về 0% (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) với lộ trình dài nhất là 7 năm. Việc hiệp định EVFTA được ký kết còn được xem là tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam tại EU khi mà các đối thủ như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan đều chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU.
Đồ họa TTXVN
Cần tận dụng thời cơ
EU là thị trường quan trọng với 28 nước thành viên; nên hàng thủy sản Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tại đây, riêng mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn bởi thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo. Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu tôm với 14% thị phần sau Ấn Độ. Khi EVFTA và CPTPP có hiệu lực thì thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Việt Nam và thuế xuất khẩu tôm chế biến vào EU và khối CPTPP đều được cắt giảm. Trong khi, Ấn Độ không phải thành viên CPTPP và quá trình đàm phán FTA giữa Ấn Độ và EU cũng đang bị tạm ngưng. Đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh với Ấn Độ.
Thị trường EU vốn được các nhà xuất khẩu Việt Nam đánh giá cao vì tính ổn định và mối liên kết chặt chẽ, khác với thị trường Mỹ thường xuyên có những biến động về thuế, nhất là thuế bán phá giá. Việt Nam và EU thường xuyên đối thoại và có tiếng nói chung đồng thuận. Hiệp định EVFTA càng củng cố thị trường EU và qua đó tạo thêm niềm tin cho các trang trại, người nuôi trồng thủy sản.
Không chỉ có đột phá về thu nhập, việc thực hiện hiệp định tự do thương mại với EU sẽ giúp thay đổi nhiều về tư duy sản xuất nông nghiệp cũng như xuất khẩu, vì hiệp định có những cam kết về sở hữu trí tuệ, về chỉ dẫn địa lý…
Với dân số hơn 500 triệu người, tổng GDP hơn 15 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 22% GDP toàn thế giới, Liên hiệp châu Âu (EU) có tổng kim ngạch ngoại thương hằng năm khoảng 3.800 tỷ USD. Xuất khẩu thủy sản sang EU 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra, basa sang EU đã đạt 105,2 triệu USD, tăng tới 31,5% so cùng kỳ năm 2018. Châu Âu đã trở thành thị trường nhập khẩu cá fillet lớn thứ hai của Việt Nam, vượt qua Mỹ.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Bên cạnh những cơ hội và sự thuận lợi lớn đó, không thể không nói Hiệp định EVFTA chứa đựng những thách thức. Vì xuất khẩu Việt Nam vào châu Âu hiện nay chỉ tập trung vào một số quốc gia, vẫn còn nhiều thị trường tại đây khó tiếp cận hoặc gặp nhiều khó khăn như thị trường các nước nói tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp… Để mở rộng thị trường và tăng kim ngạch, sản phẩm từ Việt Nam cần phải thực hiện đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hàng hóa theo yêu cầu của châu Âu. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Việt Nam cũng cần khẩn trương thực hiện các chương trình nuôi trồng bền vững, loại bỏ kháng sinh, tạp chất, thực hiện truy xuất nguồn gốc… để tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng EU.
Mặt khác, EVFTA không đơn giản là một món quà mà nó là một hiệp định có tính ràng buộc về pháp lý, trong đó yêu cầu các sản phẩm từ Việt Nam phải tuân thủ tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU. Đi kèm với các cam kết ưu đãi giảm thuế của EVFTA là những yêu cầu cao về chất lượng, tiêu chuẩn kháng sinh đối với sản phẩm xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, EVFTA cũng giúp cho hàng hóa và các doanh nghiệp châu Âu dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường và người tiêu dùng Việt Nam. Chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh không nhỏ khi châu Âu cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm thủy sản. Song, về phương diện hợp tác cùng có lợi, ngành thủy sản Việt Nam có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư từ châu Âu vào ngành thủy sản và giúp hiện đại hóa ngành thủy sản trong giai đoạn tới để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu và châu Âu. Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn, điều chỉnh lại nguồn cung nguyên liệu phù hợp với yêu cầu xuất xứ của từng thị trường.
Theo khuyến nghị của VASEP, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững – đó là những yêu cầu có trong EVFTA. Các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm; cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Anh Tuấn cho rằng, nếu doanh nghiệp Việt không hành động, không bắt tay vào thì dù Nhà nước có ký hiệp định thương mại có ưu đãi gì đi chăng nữa thì cũng đều vô nghĩa. Cuối cùng, việc ký kết này phải được thể hiện bằng cán cân kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp giữa Việt Nam và EU. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền để giúp các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA và thấy được cơ hội, những thách thức của Hiệp định thương mại này đem lại.
>> Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 – 3,25% (năm 2019 – 2023); 4,57 – 5,30% (năm 2024 – 2028) và 7,07 – 7,72% (năm 2029 – 2033). |
Trần Anh
Bình luận gần đây