Sôi động thị trường thủy sản
Tăng trưởng lạc quan
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của cả nước hồi phục và tăng trưởng lạc quan, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch tăng 14%, đạt 3,27 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,31 tỷ USD, tăng 12%; cá tra đạt 638 triệu USD, tăng 15%; các loại cá biển với 698 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 12%; mực, bạch tuộc tăng 12,6% đạt 215 triệu USD; nhuyễn thể hai mảnh vỏ gần 58 triệu USD, tăng 43,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Sự tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam nằm trong xu thế tăng trưởng chung của cả nước ở lĩnh vực xuất khẩu. Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5/2021 bị tác động bởi làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 bùng phát trở lại, khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021, ước tính vẫn duy trì đà tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi ẩm thực
Việc các nước thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19 và nới lỏng giãn cách, dần mở lại các hoạt động bình thường, đã giúp cho lưu thông tiêu thụ hàng hóa thuận tiện, thị trường khởi sắc.
Xuất khẩu thủy sản Việt sẽ thuận lợi khi nhiều thị trường “bùng nổ” nhu cầu tiêu thụ. Ảnh: Bùi Định
Mỹ là một trong những thị trường đã “mở cửa” đầu tiên nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Ước tính xuất khẩu tôm sang Mỹ 5 tháng đầu năm đạt 294 triệu USD, tăng 31% so cùng kỳ năm 2020. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt 124 triệu USD, tăng 21,7%; mặt hàng cá tra cũng tăng 55% so cùng kỳ. Cùng với việc tổ chức giải bóng đá EURO tại 8 nước ở châu Âu, là cột mốc lịch sử cho thấy lục địa già đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Những khán đài hàng vạn người xem không chỉ khiến cho các cầu thủ xúc động rơi nước mắt mà các nhà xuất khẩu thủy sản cũng vui mừng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU, lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt trên 389 triệu USD, tăng 17,5% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó mặt hàng tôm tăng tới 24%. Các nhà nhập khẩu EU quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thủy sản Việt Nam, với lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA và nguồn nguyên liệu ổn định.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhờ có hiệp định thương mại với các quốc gia trên thế giới, nên đã duy trì được sự tăng trưởng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành. Có thể nói đây là thành công trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, cũng như phản ánh vị thế thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Xuất khẩu thủy sản sang Australia tăng 58% trong 5 tháng đầu năm 2021, sang Canada tăng 12%, sang Anh tăng 8%. Những thị trường này chiếm tỷ trọng 3,3 – 4% kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng quan trọng hơn đó là những “đầu tàu” giúp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở các thị trường khác.
Lạc quan về đích
Những dấu hiệu lạc quan của xuất khẩu thủy sản cũng khiến cho sự quan tâm của các nhà đầu tư tới lĩnh vực thủy sản tăng lên. Cổ phiếu ngành thủy sản đang dần sôi động.
Phiên ngày 10/6/2021 nhóm cổ phiếu thủy sản nhiều mã đồng loạt tăng giá, cụ thể: VHC (+6,25%), MPC (+7,9%), ICF (+14,3%), CMX (+7%), ANV (+6,8%), IDI (+6,9%), ACL (+6,8%), FMC (+6,9%), SSN (+15%)… Theo các chuyên gia, sự “hưng phấn” của nhà đầu tư dành cho cổ phiếu thủy sản trong mùa bóng đá EURO, là xuất phát từ kết quả xuất khẩu thủy sản tích cực trong 5 tháng vừa qua và triển vọng cả năm 2021.
Sẽ là quá sớm khi dự báo về kết quả xuất, nhập khẩu cả năm 2021, song dựa vào xu thế phục hồi trên thị trường cũng như các hợp đồng đã ký kết và sẽ được thực hiện, có thể nói ngành thủy sản Việt Nam đang cố gắng tối đa phát huy thành quả có được và ghi thêm các “bàn thắng” vào thời gian nửa cuối năm 2021.
Việc nhanh chóng tiêm vaccine COVID-19 ở Mỹ và gói kích thích kinh tế của Chính phủ nước này đã thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% trong quý I/2021 và có thể tiếp tục tăng trưởng những tháng tới. Đến 20/5/2021, tất cả 50 bang của nước Mỹ đã mở cửa trở lại dù ở các mức độ khác nhau. Dự báo nhập khẩu thủy sản của Mỹ năm 2021 sẽ tăng 6% về khối lượng đạt 2,9 triệu tấn, giá trị tăng 9% đạt 23,3 tỷ USD, cao hơn cả mức nhập khẩu của những năm trước đại dịch COVID-19!
Không chỉ Mỹ mà cả EU và nhiều thị trường khác có thể sẽ “bùng nổ” nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản sau thời gian dài bị giãn cách xã hội. Đây sẽ là cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nguyễn Anh
Bình luận gần đây