Sao Ta và mô hình “3 không”
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Thanh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, phụ trách chính vùng nuôi tôm trên 500 ha của Sao Ta.
Chia sẻ về mô hình này theo ông Vũ, trước đây sở dĩ phải dèo là để lỡ tôm có bị chết sớm do bệnh gan tụy cấp việc cải tạo ít tốn chi phí hơn. Còn đối với EHP do chủ yếu đến từ con giống và tôm bị nhiễm luôn thải ra EHP theo đường phân, nên nếu dèo tất cả tôm trong dèo sẽ bị nhiễm. Hơn nữa, quá trình dèo chẳng khác nào ép con tôm vào môi trường chật chội, vừa làm cho tôm chậm lớn, vừa khiến cho việc lây nhiễm EHP nhanh hơn. Trong khi đó, nếu không dèo, con tôm được sống trong môi trường mật độ thấp, thoải mái hơn, nên sẽ lớn nhanh hơn, sức chống chịu với EHP vì thế cũng tốt hơn. Ông Vũ minh chứng: “Tại trại nuôi Sao Ta, nuôi không dèo sau 45 ngày tôm đã về kích cỡ 100 – 150 con/kg. Lúc này, cho dù ao nuôi bắt đầu xuất hiện EHP thì tôm cũng có thể nuôi được về size tốt hơn”.
Trại nuôi của Sao Ta chỉ sử dụng quạt tạo ôxy và không che lưới lan để vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp phòng EHP hiệu quả hơn. Ảnh: Xuân Trường
Đối với vấn đề ôxy đáy, theo ông Vũ thật ra ôxy cao là tốt, nhưng tốn tiền, nên Sao Ta nuôi chỉ với ôxy hòa tan khoảng 3,5 – 5 ppm bằng quạt. Ông Vũ lý giải: “Nếu tăng ôxy đáy nhiều sẽ vô tình làm vỡ phân tôm vụn hơn giúp bào tử EHP phát tán nhanh, rộng hơn, tôm nhiễm EHP nhiều hơn, nhanh hơn, rủi ro sẽ lớn hơn. Mặt khác, làm ôxy đáy nấm đồng tiền cũng nhiều tạo giá thể cho EHP bám vào khi tôm ăn sẽ nhiễm EHP. Còn khi chỉ sử dụng quạt để tạo ôxy như Sao Ta, vừa giúp tiết kiệm tiền điện, vừa làm cho đáy ao sau thu hoạch rất là sạch, EHP vì thế cũng ít có điều kiện để phát triển. Với cách làm này, chi phí tiền điện/ kg tôm chỉ khoảng 4.000 – 5.000 đồng, tức giảm khoảng 1/2 so với khi có ôxy đáy”.
Về lưới lan, theo ông Vũ cũng có thể là nơi để EHP bám vào, nếu không được vệ sinh tốt sẽ là nguồn lây cho vụ nuôi. Hơn nữa, nếu nuôi có lưới lan sẽ không bán tôm ôxy và tôm đông lạnh cho Trung Quốc được do màu sắc không đạt. Thứ hai là nếu không sử dụng lưới lan, ao nuôi sẽ có tảo rất nhiều và thực tiễn cho thấy, tảo rất có lợi nếu là tảo tốt vì nó giúp lấy CO2, nitơ trong nước mà không tốn tiền bổ sung carbon (mật rỉ đường), lại có lợi gấp 4 lần về hàm lượng ôxy. Ông Vũ phân tích thêm: “Trong ao tảo nhiều lại có cơ chế tăng kiềm nhưng tại sao người nuôi lại sợ tảo gây biến động pH vào sáng và chiều? Đó là do người nuôi không đưa kiềm lên cao 150 để ổn định pH, từ đó kiểm soát được tảo”. Ngoài ra, thay vì làm ao nổi rất tốn kém lại rất dễ biến động nhiệt độ, người nuôi chỉ cần nâng đáy ao lên khoảng 0,5 m để vừa dễ xiphong, vừa giúp hạn chế EHP trú ngụ nơi đáy ao là được. “Các ao tôm của Sao Ta từ trước giờ đều sâu khoảng 2 m, nhưng lúc mới thả mực nước chỉ 1,1 – 1,2 m và chỉ nâng dần theo sức tải môi trường ao nuôi. Cách làm này vừa giúp tôm hoạt động thoải mái vừa giúp nhiệt độ ít biến động và tôm có nơi trú ẩn khi nhiệt độ bên ngoài thay đổi”.
Không chỉ có “mô hình 3 không” rất thành công, mà vấn đề tiết kiệm chi phí trong việc sử dụng vật tư đầu vào cũng được trại nuôi của Sao Ta áp dụng triệt để. Theo ông Vũ, chí phí nuôi cao một phần còn do người nuôi tôm sử dụng vật tư đầu vào sai mục đích. Ông Vũ chỉ rõ: “Ví dụ như diệt khuẩn định kỳ thật ra chủ yếu mang tính thương mại là chính vì muốn diệt khuẩn phải sử dụng nồng độ Chlorine 25 ppm vào ao, nhưng với nồng độ này thì không ai dám đánh vào ao. Cònnếuchỉđánhnồngđộ2-3ppmthìkhông có tác dụng gì hết, do không đủ liều lượng để diệt vi khuẩn. Ngoài ra, người nuôi còn dùng hóa chất đánh vào trong ao, như: khoáng, vôi hoặc trộn các chất tăng trưởng, rồi Vitamin C… rất tốn kém nhưng tác dụng thì rất hạn chế”.
>> Kết quả thử nghiệm tại Sao Ta cho thấy, thức ăn loại 36 độ đạm và loại 40 độ đạm tôm lớn như nhau. Hơn nữa, nếu sử dụng loại 36 độ đạm, môi trường ao nuôi rất tốt không cần đánh thêm mật rỉ đường để cân bằng carbon, mà chỉ khi tôm vào cỡ lớn mới phải bổ sung mật rỉ đường. Tuy nhiên, điều lạ là thức ăn 36 độ đạm lại có giá cao hơn loại 40 độ đạm. Đề nghị Cục Thủy sản quan tâm điều chỉnh về hàm lượng đạm cụ thể trong thức ăn tôm, như: đạm tiêu hóa, hay đạm bột cá, đạm lông vũ, đạm thực vật… Ngoài ra, các công ty giống, thức ăn nên đồng hành với người nuôi trong việc hạ giá thành bằng cách đưa ra mức giá phù hợp cho cả hai bên, nhằm giúp người nuôi có lời, bởi một khi người nuôi không còn nuôi thì công ty giống, thức ăn cũng không thể hoạt động.
Bình luận gần đây