Rô phi Trung Quốc: “Tượng đài” vững chắc tại thị trường Mỹ

Khó bị thay thế

Ngành công nghiệp thủy sản của Mỹ và Trung Quốc đã “nếm đủ” những xung đột thương mại tiếp diễn liên tục giữa hai cường quốc kinh tế lớn của thế giới suốt 14 tháng qua. Trong diễn biến mới nhất, các nhà đàm phán của cả hai bên đã xác nhận sẽ đích thân đàm phán trở lại tại Washington D.C vào tháng tới sau khi nhận ra những đòn trả đũa thương mại dường như đều không mang lại kết quả như mong muốn vào cuối tháng 7 vừa qua.  Tổng thống Mỹ, ông Donal Trump đã tăng thuế 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và chính thức có hiệu lực vào tháng 10. Các công ty nhập khẩu cá rô phi tại Mỹ đang bắt đầu thu mua để bổ sung cho các kho hàng dự trữ đang trống rỗng, theo Jason Carter, Giám đốc kinh doanh tại Tập đoàn Baiyang Aquatic Group, hãng xuất khẩu cá rô phi Trung Quốc lớn nhất. Jason Carter cho biết: “Lượng hàng dự trữ trong kho tại Mỹ đang cạn và các doanh nghiệp phải gấp rút nhập hàng mới. Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng đúng thời điểm giá cá rô phi tại ao đang rất thấp”. Hiện, Trung Quốc đã hạ giá đồng Nhân dân tệ (CNY) và kiểm soát chặt “giỏ tiền tệ” từ năm 2015. Đồng CNY đã lao dốc xuống dưới tỷ giá 7 CNY/1 USD vì cuộc chiến thương mại đã tạo áp lực lên tiền tệ Trung Quốc, khiến hàng hóa của nước này rẻ hơn tại nhiều thị trường nước ngoài.

 Việc thay thế hàng triệu pound cá rô phi nhập khẩu mỗi năm bằng một loại cá khác dường như là một đòi hỏi quá sức với các hãng bán lẻ tại Mỹ, như Walmart. Khi cuộc chiến thương mại nổ ra, thuế áp lên cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao, nhiều quốc gia khác cho rằng thời hoàng kim của cá rô phi Trung Quốc đã kết thúc và sẽ phải nhường lại miếng bánh thị trường cho cá rô phi của Nam Mỹ, Việt Nam, hoặc cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này, bởi xây dựng một hệ thống hạ tầng vững chắc phục vụ hoạt động cung ứng ổn định suốt nhiều thập kỷ qua như cá rô phi Trung Quốc không phải điều đơn giản. Theo Carter, miếng bánh thị trường mà cá rô phi Trung Quốc để lại rất lớn, nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể chiếm được dễ dàng; bởi các doanh nghiệp Trung Quốc cũng là những chuyên gia trong khâu xử lý cá bằng carbon monoxide để duy trì vẻ ngoài bắt mắt của sản phẩm; công nghệ này dường như là “bí kíp” riêng và chưa một quốc gia nào có thể theo kịp.  

 Sản xuất cá rô phi tại Trung Quốc vẫn rất phát triển – Ảnh: CTV

Chưa có đối thủ

Không thể phủ nhận, đòn thuế đã cản trở xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc, khiến lượng hàng sang thị Mỹ từ đầu năm tới nay rớt xuống mức thấp kỷ lục. Cụ thể, fillet cá rô phi nhập khẩu của Mỹ đã giảm xuống mức 50.757 tấn trong 6 tháng đầu năm nay, trái ngược với mức ấn tượng 142.086 tấn của năm 2018 và 133.719 tấn của năm 2017, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOOA).

 Tuy nhiên, nhập khẩu cá rô phi tại Mỹ cũng giảm liên tiếp 4 năm qua do nhiều thông tin xấu bủa vây con cái này, nhằm mục tiêu hạ bệ cá rô phi trước các loại cá thịt trắng khác của phương tây như cá hồi. Dù vậy, rô phi vẫn là một trong 4 loại cá được tiêu thụ phổ biến nhất tại thị trường Mỹ.

Nông dân tại Việt Nam lưỡng lự chuyển đổi ao cá tra sang cá rô phi vì thị trường dài hạn suy yếu và sự phức tạp trong khâu nuôi. Cá rô phi đòi hỏi nồng độ ôxy cao hơn các loại các nuôi ao khác ở vùng ĐBSCL. Trong tương lai xa, các nước mới sản xuất cá rô phi như Ấn Độ và Indonesia mới có khả năng xây dựng được những ngành công nghiệp xuất khẩu và chiếm lĩnh thị phần cá rô phi của Trung Quốc.

  Thị trường cá rô phi suy yếu, xuất khẩu ảm đạm đã khiến giá cá rô phi tại ao ở Trung Quốc sụt giảm mạnh. Nhưng, đến thời điểm này, đây lại là cơ hội cho các hãng xuất khẩu cá rô phi tại Trung Quốc mua được nguồn nguyên liệu giá rẻ hơn để phục vụ thị trường Mỹ, theo Carter. Hầu hết rô phi được bán sang Mỹ theo các hợp đồng dài hạn. Nhưng khoảng thời gian giá thấp có thể không kéo dài lâu, bởi khi cầu tăng lên, giá sẽ tăng theo, cộng với đó là chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng có xu hướng tăng. Một số công ty Trung Quốc đã tránh thuế bằng cách chế biến sâu hơn mặt hàng cá rô phi thành những sản phẩm giá trị gia tăng như fillet tẩm bột. 

 

 Thị trường ưu ái

Gorjan Nikolik, một chuyên gia phân tích tại Rabobank cho rằng, người Mỹ có thể sẽ phải mua cá rô phi với mức giá đắt hơn. Chưa ai có thể chắc chắn liệu cá rô phi Trung Quốc có bị thay thế bởi một đối thủ khác hay không. Đó có thể là cá rô phi, hoặc cá thịt trắng của Brazil, Mexico, Indonesia hay Bangladesh. Nhưng tín hiệu tích cực cho cá rô phi Trung Quốc đó là nhiều hãng bán lẻ vẫn đang vận động hành lang Chính phủ Mỹ, đồng loạt bày tỏ sự lo ngại rằng thuế trả đũa chỉ khiến cho người tiêu dùng phải mua hàng hóa và thực phẩm với giá đắt đỏ hơn. 

Mới đây, hãng bán lẻ Walmart cũng lên tiếng cho rằng, thuế trả đũa đang đè nặng lên vai người tiêu dùng cuối cùng. Những doanh nghiệp như Walmart cũng buộc phải tăng giá một số loại thực phẩm do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Nhưng Walmart cũng chỉ dám tăng giá một cách dè dặt, tốc độ chậm bởi thị trường cũng hoạt động qua nguồn hàng dự trữ.                

>> Hiện, cá rô phi Trung Quốc vẫn là một loại thực phẩm giá rẻ mà người tiêu dùng Mỹ đều chuộng. Dù thuế tăng lên 25%, các hãng sản xuất vẫn khẳng định cá rô phi Trung Quốc không dễ đánh bại và đây vẫn được coi là sự lựa chọn hàng đầu. 

Đan Linh 

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *