RCEP: Gỡ khó về xuất xứ cho thủy sản xuất khẩu
Thị trường rất rộng
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (gồm: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020. Đây được đánh giá là Hiệp định rộng, bởi ngay ở hiện tại, 15 nước thành viên chiếm gần 30% dân số thế giới (2,2 tỷ người) và 30% tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỷ USD), khiến RCEP trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Hiệp định sẽ có hiệu lực trong 2 năm tiếp theo, sau khi được các quốc gia thành viên phê chuẩn.
Hiệp định sẽ thống nhất các quy tắc xuất xứ thông qua khối, có thể tạo điều kiện cho chuỗi cung ứng quốc tế và trao đổi trong toàn bộ khu vực và cấm các loại thuế quan nhất định. RCEP không thiết lập các tiêu chuẩn thống nhất về lao động và môi trường, cam kết các quốc gia mở cửa dịch vụ và các lĩnh vực dễ bị tổn thương khác của nền kinh tế.
Theo một chuyên gia kinh tế thế giới, RCEP rộng vì bao gồm nhiều nền kinh tế và hàng hóa. Đây là điều hiếm thấy trong thời đại bảo hộ như hiện nay.
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, với cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực. Cùng đó, RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu.
Chưa kể, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp… góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
Còn theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Hiệp định này có sự bổ sung rất lớn để Việt Nam tận dụng tốt hơn các thị trường mà những Hiệp định trước đã mở ra, đặc biệt là giúp hàng hóa Việt Nam cải thiện được khâu yếu là đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ. Bởi, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu đầu vào từ tất cả các nước trong RCEP để sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường này đều được hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Vậy nên, đây có thể được coi là cú hích cho xuất khẩu của nước ta, nhất là các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Thủy sản có tận dụng được lợi thế?
Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ thực hiện ngay các cam kết của mình, trong đó có cam kết thuế quan. Theo đó, 15 nước thành viên sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15 – 20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6 – 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, còn các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam từ 90,7 – 92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9 – 100% số dòng thuế.
Trong đó, một số mặt hàng được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực như viễn thông, công nghệ thông tin, trang thiết bị cơ khí, máy móc, hóa chất, các sản phẩm nông nghiệp…
Nhận định đối với riêng lĩnh vực thủy sản, theo đại diện Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương), đây là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh vào các thị trường trong RCEP. Cụ thể, việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình 10 – 15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ là cơ hội lớn để thủy sản nước ta thuận lợi tiến sâu vào khối này.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong khối có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn chúng ta, đặc biệt là với Trung Quốc. Lợi thế hàng hóa đa dạng và giá rẻ của nước này sẽ là áp lực lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là mặt hàng nông, thủy sản. Thế nên, để tận dụng tốt cơ hội, buộc các doanh nghiệp phải tự đổi mới.
Bà Phùng Thị Lan Phương, Trung tâm WTO và Hội nhập, cho biết: RCEP dự kiến sẽ có hiệu lực vào khoảng cuối năm sau nữa. Do đó, doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam vẫn còn một khoảng thời gian dài để chuẩn bị cho việc gia nhập sân chơi này. Quan trọng là cần tìm hiểu rõ mọi thông tin để có thể tận dụng tốt được cơ hội cũng như ứng phó với thách thức từ RCEP.
>> Tháng 11/2011, tại Hội nghị ASEAN thứ 19 ở Bali, Indonesia, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đề ra. Năm 2021, các lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thứ 21 diễn ra từ ngày 18 – 20/11/2012 tại Phnom Penh, Campuchia chấp thuận khung cơ sở cho RCEP và tuyên bố bắt đầu đàm phán. Trải qua 8 năm với 31 lần đàm phán, RCEP đã chính thức được ký kết ngày 15/11/2020. |
Bình luận gần đây