Quảng Ninh: Thu mua nguyên liệu chế biến thuỷ sản: Doanh nghiệp thua ngay trên “sân nhà”
Không cạnh tranh nổi về giá
Lý do các đơn vị chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh không mua được nguyên liệu chính là không cạnh tranh nổi về giá so với các tư thương Trung Quốc. Ông Nguyễn Hữu Lân, một chủ tàu đánh bắt cá xa bờ người xã Liên Vị, TX Quảng Yên cho biết: Nói thật là chúng tôi cũng muốn bán hàng cho một vài doanh nghiệp nào đó trên bờ để tạo được sự ổn định lâu dài, thế nhưng giá của họ bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung. Mà người lao động chúng tôi làm ra được con cá, con tôm quá vất vả và chi phí lớn, nếu bán giá thấp thì coi như chấp nhận mất lãi hoặc lỗ.
Vậy tại sao các doanh nghiệp chế biến thủy sản lại thu mua với giá thấp để ngư dân phải quay mặt đi, có phải doanh nghiệp muốn ép ngư dân? Thực ra thì hầu hết các đơn vị chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đều đang hoạt động với công nghệ cũ, sản phẩm có giá trị kinh tế thấp. Bởi vậy nếu giá đầu vào cao thì doanh nghiệp cũng nắm chắc phần lỗ trong tay. Chị Trần Thị Chính, cán bộ Công ty CP Thủy sản Phú Minh Hưng cho biết: Hiện đa phần các doanh nghiệp mới thực hiện được các khâu như vệ sinh, bỏ đầu, bỏ ruột để cấp đông rồi xuất đi, nên đạt giá trị rất thấp. Trong khi đó các đơn vị khác, với công nghệ hiện đại thì có thể bóc nõn sản phẩm hoặc chế biến thành nhiều dạng sản phẩm tinh khác để có giá trị cao hơn. Chính bởi vậy nên trong khi chúng tôi phải rất chi ly, tính toán về giá nguyên liệu thì các đơn vị khác lại có thể “xông xênh” hơn. Còn Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Ninh thu mua với giá cao hơn, song lại có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Có lẽ chính bởi vậy nên hiện không ít doanh nghiệp chế biến thủy sản chấp nhận chỉ hoạt động với khoảng 40% công suất thiết kế.
Chế biến mực ở Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh.
Điều đáng nói không phải các doanh nghiệp ngại thay đổi công nghệ để có công nghệ tiên tiến hơn, mà vấn đề lại ở chỗ các đơn vị này đang nằm trong diện phải di dời vì là cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và vướng quy hoạch của địa phương. Đến nay, tuy phần nhiều các doanh nghiệp này đều đã được bố trí vị trí mới, song chưa thật sự hợp lý. Đơn cử như vị trí mới của Công ty CP Thủy sản Phú Minh Hưng được quy hoạch ở khu vực xã Sông Khoai, tuy nhiên ở đây cũng đang hình thành rất nhiều khu dân cư, nên khó có thể ổn định lâu dài được. Còn Công ty Thủy sản Cái Rồng lại được quy hoạch tại khu Hang Ma, thị trấn Cái Rồng thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật và khó khăn về giao thông. Anh Lưu Văn Dĩ, Giám đốc Công ty Thủy sản Cái Rồng cho biết: Chúng tôi đồng ý di chuyển để có sự ổn định và phát triển lâu dài, song vị trí cũng phải tương đối phù hợp một chút để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chứ điều kiện như thế thì khó cho doanh nghiệp quá. Riêng vị trí quy hoạch của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh tại phường Hà Phong là khá hợp lý, song cơ chế hỗ trợ di dời lại chưa hợp lý, trong khi chi phí đầu tư nhà xưởng, lắp đặt thiết bị rất lớn, vượt khả năng của doanh nghiệp.
Thiếu chợ cá chuyên ngành
Do một phần không nhỏ vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh ở trên biển, cộng với các hoạt động khai thác nên việc thu mua tôm cá thường diễn ra tại chỗ, trên biển. Nếu các doanh nghiệp chế biến muốn thu mua tại đây thì phải có tàu dịch vụ chuyên dùng và bố trí đội ngũ nhân lực để làm công việc phân loại. Thế nhưng thực tế hiện nay tất cả các doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh đều không đáp ứng điều kiện kể trên. Trong khi đó, việc thu mua ở trên bờ cũng hết sức khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết, đơn cử như các chợ thủy sản hay các dịch vụ hậu cần nghề cá. Chị Nguyễn Thị Thu, chủ một đội tàu khai thác thủy sản ngoài vùng biển Vân Đồn cho biết: Bán hàng ngay trên biển có cái lợi là thuận tiện, nhanh gọn, cầm tiền luôn nhưng ngược lại bị ép giá hoặc bán hớ. Thế nhưng khi mang lên bờ thì không có chỗ để mà phân loại, rồi các vật tư để đảm bảo độ tươi sống của cá tôm cũng không sẵn có. Nên nhiều khi cất công lên bờ bán song cũng không kiếm thêm được bao nhiêu, thậm chí có hôm thời tiết xấu còn bị thiệt hơn bán trên biển.
Thực tế hiện nay toàn tỉnh chưa có chợ cá hay cảng cá chuyên ngành nào. Bà con ngư dân vẫn đổ hàng tại các cảng Hòn Gai (Hạ Long), Cái Rồng (Vân Đồn), Cô Tô song đây đều là các cảng tổng hợp, dành cho các loại hàng hóa, trong đó hải sản là hàng hóa bị hạn chế. Anh Phạm Văn Lợi, một tiểu thương ở cảng Cái Rồng cho biết: Ở bến cảng này, tàu bán cá tôm các loại chỉ được cập bến, phân loại và tiêu thụ trong khoảng thời gian từ 3h – 6h30. Qua thời gian trên là bị hạn chế để dành chỗ cho các loại hàng hóa khác. Tại bến cá tạm của Hạ Long (khu vực gần núi Bài Thơ), nơi diễn ra các hoạt động mua bán hải sản sôi động nhất tỉnh hiện đang rất quá tải; ngư dân, tiểu thương chen lấn nhau nhận các ô, lốt để phân loại, bán hàng. Trong khi đó các dịch vụ hậu cần hỗ trợ cho loại sản phẩm này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Có thể nói, thực trạng trên đã dẫn đến việc thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến hải sản khó lại càng khó hơn.
Thực tế ai cũng biết đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản, việc thu mua được nguyên liệu có chất lượng tốt, giá hợp lý là điều kiện tiên quyết, sống còn để doanh nghiệp phát triển. Thế nhưng với tình hình hiện nay thì có thể thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nếu không muốn nói là thua ngay trên “sân nhà”. Thiết nghĩ bản thân các doanh nghiệp cần phải có những động thái tích cực, hiệu quả hơn, dành lại lợi thế cho mình. Đồng thời các đơn vị chức năng cũng nên tập trung hình thành chợ cá chuyên ngành và tăng cường dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm tạo điều kiện thu mua nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến.
Bình luận gần đây