PPP khiến ngành thủy sản năng động hơn
Ảnh: Violet.vn
Kỳ vọng mô hình PPP
Thời gian gần đây, Việt Nam tích cực nghiên cứu và triển khai thí điểm một số hình thức của mô hình PPP. Ngành nông nghiệp đã thành lập 6 nhóm công tác ngành hàng theo hình thức PPP gồm, cà phê, chè, hồ tiêu, thủy sản, hàng hóa tập trung, rau quả. Sau đó, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn có hai nhóm được thành lập thêm gồm hóa chất nông nghiệp và tài chính nông nghiệp.
Không được chú ý nhiều như các lĩnh vực khác khi bắt đầu triển khai thí điểm, nhưng mô hình PPP trong nông nghiệp tại Việt Nam đã mang lại kết quả khá bất ngờ. Kể từ khi thực hiện mô hình, sản lượng nông sản của các dự án PPP đều tăng 2 – 3 lần, thu nhập của người dân nhờ thế cũng tăng 10 – 15%; Cách thức, tập quán canh tác truyền thống của người nông dân đã thay đổi căn bản theo mô hình khép kín; Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cho nông sản của Việt Nam – nước vốn được coi là cường quốc xuất khẩu nông sản thô, giá trị thấp dần được nâng lên…
Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, PPP là xu hướng tất yếu, đặc biệt trong sản xuất và chế biến xuất khẩu khi khối kinh tế tư nhân là thành phần chính trong chuỗi sản xuất. Việc Bộ NN&PTNT mà đầu mối là Tổng cục Thủy sản cùng tham gia với các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước, quốc tế để đẩy mạnh hợp tác là bước đi quan trọng và đúng hướng để khai thác thế mạnh của từng bên như huy động vốn đổi mới công nghệ sản xuất, gia tăng cơ hội thị trường và chuyển giao công nghệ, nhân lực. Quan điểm về PPP hoàn toàn phù hợp với bối cảnh phát triển chung, là cơ chế tốt để vận dụng các nguồn lực của xã hội.
Tăng cường chia sẻ hơn về PPP
Ông Huỳnh Quốc Tịnh, Điều phối viên Chương trình Nuôi trồng Thủy sản của WWF-Việt Nam đánh giá: “PPP là một trong những hướng đi tích cực góp phần tái cấu trúc ngành thủy sản. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với quốc tế ngày càng sâu rộng, với nền kinh tế phần đông là sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, sẽ dễ dàng chịu tác động của các tác nhân lớn hơn. PPP sẽ phát huy được vai trò của nhiều bên tham gia, trong đó vai trò chủ chốt là lĩnh vực tư nhân (doanh nghiệp, người sản xuất, khai thác…). Nhà nước đóng vai trò định hướng, quản lý và đầu tư công để thúc đẩy phát triển ngành bền vững, cũng như thu hút được các nguồn lực từ các hiệp hội, tổ chức khoa học, phi chính phủ…”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản cho rằng: “Việc triển khai PPP có nhiều thuận lợi khi Chính phủ rất khuyến khích phát triển hình thức này. Tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế đang trở nên khó lường, chính sách hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ thay đổi (hợp tác cùng có lợi thay vì tài trợ)… là những yếu tố tạo ra thách thức cho các đối tác khi triển khai xây dựng, thực hiện hiệu quả các dự án, các chương trình PPP nói chung và trong lĩnh vực thủy sản nói riêng. Ngoài ra, một số đầu tư nghề cá (cơ sở hạ tầng…) yêu cầu nguồn tài chính lớn trong khi lại tồn tại những rủi ro nhất định, thời gian hoàn vốn khá dài. Yếu tố này có thể là nhân tố tác động tới việc ra quyết định của các nhà đầu tư. Do đó, thời gian tới, để thu hút và mở rộng hơn nữa PPP, ngành thủy sản cần những cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích phát triển”.
>>Ông Lê Thanh Lựu, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hội Nghề cá Việt Nam PPP là xu thế của cả thế giới Nhiều vấn đề thiết nghĩ Nhà nước không nên làm vì vừa tốn nguồn lực, tốn nhân lực thì PPP sẽ giúp Nhà nước giải quyết điều này hiệu quả hơn. Thứ nhất, sẽ giảm được sức ép của Nhà nước đối với việc quản lý ngành thủy sản. Thứ hai, giảm sức ép của Nhà nước trong chuyện đầu tư, có thể huy động được các lực lượng xã hội tham gia. Nhưng cái hay nhất là ngành thủy sản có một sức sống mới. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt hơn 160 thị trường, được vào nhiều siêu thị ở châu Âu, Mỹ… đó là nhờ sức mạnh của PPP. Lợi ích của PPP chính là khiến ngành thủy sản năng động, chủ động hơn chứ không phải trông đợi hoàn toàn vào Nhà nước. |
Bình luận gần đây