Phát triển sản phẩm tôm bền vững

Phúc lợi động vật

Các vấn đề xã hội và tính bền vững đã nằm trong tầm ngắm của các hãng sản xuất tôm suốt thời gian qua, nhưng phúc lợi động vật là vấn đề nóng hơn cả, trong đó tiêu điểm là giết mổ nhân đạo và cắt cuống mắt. Khoa học đã chứng minh, cá cảm thấy đau đớn khi bị giết mổ nhưng vấn đề này vẫn chưa được chứng minh trên con tôm. Tuy nhiên, một số tổ chức nói rằng bằng chứng này đang được phát triển nhanh chóng và sớm công bố trên báo chí. Sắp tới, Hilton Foods, đơn vị cung cấp hải sản cho Tesco – hãng bán lẻ lớn nhất nước Anh bắt đầu sử dụng các biện pháp gây mê điện trong chuỗi cung ứng tôm. Tuy nhiên, tỷ lệ các hãng thực phẩm sẵn sàng ứng dụng biện pháp này vẫn còn hạn chế bởi chi phí khá tốn kém. Nhưng nếu bằng chứng khoa học được tung ra sớm, các hãng bán lẻ chắc chắn sẽ tăng áp lực lên nhà cung cấp tôm để chế biến nhân đạo hơn. Đến nay vẫn chưa thể khẳng định gây mê điện có phải là tiêu chí đánh giá phúc lợi động vật trong ngành chế biến tôm hay không. Nhưng chắc chắn đây sẽ là chủ đề nóng trong tương lai.

Hiện nay, việc cắt bỏ cuống mắt là một vấn đề cấp bách và loại bỏ phương pháp nuôi tôm này có thể sớm trở thành một yêu cầu để tiếp cận thị trường xuất khẩu tôm, ví dụ như Bắc Âu. Tháng 11/2022, Hà Lan đã thực hiện một chương trình truyền hình về cắt bỏ mắt tôm trên sóng quốc gia. Họ đã quay lại quy trình cắt bỏ mắt tôm trong một trại giống ở Thái Lan, cách kỹ thuật viên sử dụng kéo nóng để cắt cuống mắt con tôm cái và hình ảnh con tôm co giật trước khi được đưa trở lại bể. Hình ảnh này thu hút sự chú ý của các hãng bán lẻ tại Hà Lan và nếu Thái Lan không thay đổi thì nguy cơ sụt giảm xuất khẩu tôm vào thị trường Hà Lan là điều có thể xảy ra. Tại Diễn đàn tôm toàn cầu, Byrnes, Giám đốc Ahold Delhaize thông báo rằng tập đoàn này sẽ yêu cầu một số siêu thị chỉ thu mua tôm không bị cắt cuống mắt.

Tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ của châu Âu cũng cấm phương thức cắt bỏ cuống mắt và từ năm 2024, GLOBALGAP cho biết sẽ áp dụng tiêu chuẩn không cắt mắt tôm post trong quá trình sản xuất. Việc các tổ chức chứng nhận khác đi theo tiêu chuẩn này chỉ là vấn đề thời gian.

Mục tiêu âm carbon

Ahold Delhaize đã cam kết giảm 15% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 để tiến tới chuỗi cung ứng không xả thải vào năm 2050. Berry Marttin, thành viên Hội đồng quản trị của Rabobank Group cho biết, trên toàn thế giới có khoảng 15% hãng bán lẻ đã cam kết 3 phạm vi giảm khí thải. Tại một số thị trường khác, tỷ lệ này thậm chí cao hơn nhiều, ví dụ Anh là 60%, Bắc Mỹ 35%, Hà Lan 30%.

Byrnes cho rằng, các hãng bán lẻ đã đưa ra cam kết nói trên cần phải tìm hiểu về cách sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, cũng như cách quản lý rừng và carbon. Họ cần xây dựng lộ trình riêng, tích hợp vào mô hình kinh doanh và hợp tác với hãng cung cấp để thu thập dữ liệu về khí thải và đặt mục tiêu giảm thiểu bằng phương pháp tốt nhất.

Trong chuỗi cung ứng tôm, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, nông dân, công ty thức ăn chăn nuôi cần lập bản đồ khí thải trong chuỗi cung ứng và lên kế hoạch giảm thiểu khí thải. Một số công ty đã phát triển các giải pháp hiệu quả như Sustell™ của DSM Animal Nutrition, hay Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) đang phát triển công cụ đầu tiên giúp lập bản đồ dấu chân carbon của các chuỗi cung ứng tôm nuôi.

Theo Berry Marttin, mặc dù xét về lượng CO2 tương đương trên 100 g protein, tôm là sự lựa chọn kém bền vững hơn cá hồi hoặc thịt gà, nhưng nếu nhìn vào mật độ chất dinh dưỡng, tôm nuôi là lựa chọn tốt hơn thịt gà và cá hồi. Giảm thiểu lượng khí thải carbon của tôm nuôi sẽ là một phần quan trọng của chiến lược định vị sản phẩm trên thị trường trong tương lai.

Ví dụ, nếu tôm thực sự trở thành một sản phẩm “âm carbon” và người nuôi tôm tạo ra các khoản tín dụng carbon bằng cách trồng rừng ngập mặn, lợi nhuận cho ngành tôm cũng tăng lên. Tái sinh rừng ngập mặn sẽ tạo ra các khoản tín dụng carbon để bán cho doanh nghiệp bù đắp lại lượng khí thải của họ; đồng thời ngành tôm cũng gia tăng sức cạnh tranh so với các ngành kém bền vững hơn.

Thức ăn bền vững

Thách thức lớn và quan trọng nhất của ngành tôm trên con đường phát triển bền vững là thức ăn chăn nuôi. Các thành phần thức ăn đều có những thách thức và rủi ro riêng, dù nguồn gốc từ thực vật, động vật dưới nước hay trên cạn. Mặc dù, các tổ chức chứng nhận quốc tế có tiêu chuẩn bền vững dành riêng thức ăn chăn nuôi, một số hãng bán lẻ thực phẩm trên thị trường muốn tiến thêm một bước nữa.

Thức ăn cho tôm hiện vẫn đang cần sử dụng đạm động vật biển. Thay thế hoàn toàn thành phần này không khả thi và cũng không phải là mong muốn của nhiều hãng sản xuất thức ăn, nhất là các đơn vị đang sử dụng bột cá bền vững MSC hoặc MarinTrust. Tuy nhiên, trong tương lai, thị trường sẽ yêu cầu truy xuất nguồn gốc với các thành phần bột cá dùng để nuôi tôm từ nhà máy đến tàu khai thác.

Ai sẽ trả chi phí phụ trội liên quan đến sản xuất tôm bền vững; cũng như chịu trách nhiệm hoàn toàn về phúc lợi động vật? Đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi tại các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên trong tương lai, khi nhận thức của người tiêu dùng về bền vững, các vấn đề xã hội và phúc lợi động vật được nâng cao, thì việc chủ động tích hợp các vấn đề này vào trong sản xuất sẽ không còn là gánh nặng của người nuôi, mà là cơ hội để họ nâng cao lợi thế cạnh tranh cho con tôm.

Đan Linh

Tổng hợp

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *