Peru: Xuất khẩu thủy sản tăng nhờ “cú đúp” từ mực ống

Thủy sản – trụ cột kinh tế thứ 3

Theo dữ liệu của Bộ Sản xuất Peru, nước này xuất khẩu 953 tấn thủy sản, trị giá 2,05 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, tăng 4% về khối lượng và 3% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu mực ống tăng cả về khối lượng và giá trị, tăng 185% và 175%, tương ứng đạt 320.300 tấn và 589,7 triệu USD. Như vậy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu mực ống đông lạnh chiếm 28,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Peru, đưa thủy sản trở thành ngành trụ cột thứ 3 thu hút ngoại tệ, chỉ sau khai thác mỏ và nông nghiệp.

Chế biến mực ống tại Peru. Ảnh: SNI

Có một số nguyên nhân quan trọng giúp xuất khẩu mực ống đạt được thành tích vượt trội ở 6 tháng đầu năm, trong đó chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường chính tăng lên đáng kể. Cụ thể, xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ mực ống sang Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Tây Ban Nha tăng 321,7 triệu USD so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Trung Quốc giữ vị trí số một với sức tăng 1.148%, Hàn Quốc theo sau với 111,5%, Thái Lan 15,7%, và Tây Ban Nha 50,5%. Với những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2023, Bộ Sản Xuất Peru khá lạc quan và kỳ vọng xuất khẩu mực ống đông lạnh sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng cho sự phát triển của nước nhà. 

Xuất khẩu mực ống đông lạnh tăng đã đưa tổng sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Peru phục vụ tiêu dùng trực tiếp tăng 89% về khối lượng và 40% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái, tương đương 486.600 tấn, đạt 1,16 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Bột cá, dầu cá – bài toán chưa có lời giải

Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu bột cá và dầu cá chỉ đạt 448,700 tấn, trị giá 867,6 triệu USD, giảm 30% về khối lượng và 24% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái (640.000 tấn và 1,14 tỷ USD). Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do ngành sản xuất bột cá và dầu cá Peru phải đối mặt với sự tấn công của El Nino và lệnh cấm đánh bắt cá cơm để bảo toàn sinh khối cho loài ngay từ mùa khai thác đầu tiên (tháng 6).

El Nino đã tác động mạnh mẽ với các quốc gia châu Mỹ La Tinh trong một thời gian dài. Một trong những hậu quả của hiện tượng này là nước biển ấm lên, các loài cá phải bơi về bờ hoặc lặn xuống biển sâu để tìm kiếm dòng nước lạnh sinh sống. Do vậy, sản lượng khai thác của các tàu đánh bắt công nghiệp sụt giảm đáng kể, thậm chí chỉ khai thác được cá con hoặc ấu trùng, bởi chúng không đủ sức bơi đi chỗ khác sinh sống, phải “ở lại” tầng nước mặt. 

Với lệnh cấm khai thác cá cơm để bảo vệ sinh khối, ngành công nghiệp Peru đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề với giá bột cá tăng cao ngất ngưởng, các nhà sản xuất phải giảm thành phần bột cá trong thức ăn thú cưng và thức ăn thủy sản.

Tuy vậy, đối với dầu cá, sự tăng giá của mặt hàng này không đến từ nguyên nhân chi phí bột cá tăng cao mà do khối lượng dầu cá chiết xuất hao hụt đáng kể từ cuối năm 2022. Thực tế, hàm lượng chất béo của cá khai thác quá thấp. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu sinh học ngày càng nhiều đã kéo theo giá dầu thực vật tăng cao. Do đó, dầu cá đang phải đối mặt với 2 thách thức: El Nino và đối thủ cạnh tranh – dầu thực vật.

Tại Cảng Thượng Hải, Trung Quốc – nhà nhập khẩu bột cá lớn nhất thế giới, giá bột cá loại thượng hạng đã lên tới 14.950 CNY/tấn (2.101 USD/tấn) trong tháng 5 và không ngừng tăng ở các tháng sau đó. Theo dữ liệu mới nhất, tuần 34 (21 – 27/8/2023), giá bột cá đạt mức kỷ lục 18.950 CNY/tấn, tăng 45% so cùng kỳ năm ngoái.

An Vy

Theo Undercurrentnews

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *