Nuôi tôm thời công nghệ
Bangladesh – Nâng cao sản lượng
Ngành tôm tại Bangladesh đã và đang sử dụng tôm giống sạch bệnh và thực hành nuôi cải tiến. Hơn 65.000 hộ nuôi tại quận tây nam Khulna, Bagerhat và Satkhira đang áp dụng công nghệ Nuôi tôm mở rộng (ESF) và Công nghệ cải tiến truyền thống (MTT).
Sujit Mondol, một trong số những nông dân được lựa chọn tham gia khóa huấn luyện công nghệ ESF tại vùng ven biển Khulna, Borodanga chia sẻ: Chúng tôi được tiếp cận nhiều kỹ thuật nuôi theo từng giai đoạn khác nhau từ tôm giống đến tôm thương phẩm với kích thước trung bình 15 – 20 cm và trọng lượng 35 – 40 gram. Điểm khác biệt của phương pháp này là nuôi tôm ở khu vực nước sâu trên 1,2 m và luôn duy trì nước rất sạch. Nông dân buộc phải đắp bờ cẩn thận và đảm bảo kiểm soát được nhiệt độ tốt để tránh tôm bị sốc nhiệt hoặc nhiễm bệnh. Nông dân tại Panirhat, Bagerhat cho biết phương pháp này giúp tăng sản lượng ít nhất 25 – 35% so phương thức truyền thống. Sujit đã thu được 5.600 USD vào năm ngoái từ vụ thu hoạch tôm tại 1 ao rộng trên 1,4 ha trong một vụ. Những năm tiếp theo, người nông dân này đã tăng thu nhập lên 7.500 USD/ao 0,8 ha.
Năm 2014, WorldFish đã giới thiệu tôm giống sạch bệnh SPF tăng trưởng nhanh hơn 20 – 25% so với tôm giống thông thường và quan trọng nhất là không bị nhiễm 10 loại virus gây bệnh cho nông dân Bangladesh. M K A Hatchery, một trại sản xuất tôm giống SPF hoạt động từ năm 2014 ở quận Bazar đã cung cấp 1 – 2 triệu SPF/ngày cho các ao tôm ở khu vực tây nam. Đại diện M K A Hatchery, ông Taslim Mahmood cho biết trại giống có khả năng sản xuất 500 triệu tôm post mỗi năm và đáp ứng được nhu cầu tôm giống SPF trên toàn quốc.
Áp dụng công nghệ đang mang lại nhiều thay đổi – Nguồn: Static
Mỹ Latinh – Cải thiện sức đề kháng, kích cỡ tôm
Công nghệ này đã được nghiên cứu nhiều năm bởi các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu sinh học Tây Bắc (CIBNOR) tại Mexico. Các dự án nuôi tôm công nghệ cao của CIBNOR đều được Quỹ Newton và Học viện Kỹ thuật British lựa chọn để tham gia Chương trình chứng nhận giải thưởng sáng tạo công nghệ 2015 nhằm chọn lọc công nghệ tiên tiến nhất để thực hiện chuyển giao.
Năm 2009, Phòng Chuyển giao công nghệ tại CIBNOR đã chia sẻ rộng rãi công nghệ cải thiện sức đề kháng trên tôm và thu hút sự chú ý của Công ty NTTS Mahr tại Pháp. Những năm tiếp theo, tôm giống (tôm post) sản xuất từ tôm bố mẹ chất lượng tốt nhất đã được tung ra thị trường với doanh số bán hàng tăng vọt. Năm 2011, Tập đoàn Grimaud của Pháp đã xây dựng chương trình kiểm toán qua Hiệp hội Nuôi gia cầm và thủy sản Pháp, và ký thỏa thuận liên doanh với Công ty Mahr. Năm 2013, Aquaculture và Mahr Group Grimaud chính thức thành lập Công ty Blue Genetics Mexico, bắt đầu hoạt động tại Pháp và Việt Nam, với mục đích thâm nhập thị trường Trung Quốc và châu Á.
Australia – Giảm chi phí nuôi tôm
Công ty nuôi tôm sú lớn nhất Australia – Gold Coast Marine là đơn vị tiên phong nuôi tôm theo cách “phi truyền thống” là cho ăn 4 lần/ngày. Theo kỹ sư Bambang M. Julianto và Darrel Herbst tại Công ty, phương pháp trên sẽ cung cấp thêm thời gian nghỉ ngơi cho tôm giữa các cữ ăn, từ đó giảm dần hệ số FCR, người nuôi cũng có thời gian kiểm tra và quản lý sàng ăn chính xác hơn, từ đó làm giảm sai số trong khâu quản lý thức ăn.
Quản lý cho tôm ăn tại Gold Coast Marine gồm những bước sau: Ăn 4 lần/ngày, thời gian: 5h sáng, 11h trưa, 5h chiều và 11h tối. Sử dụng máy thổi thức ăn để trải đều lượng thức ăn trên toàn ao nuôi; Mỗi ao trang bị 3 sàng ăn, được sử dụng cùng lúc với máy thổi thức ăn và được kiểm tra lại sau 3 giờ đồng hồ. Lượng thức ăn cho mỗi sàng được chia theo tỷ lệ 0,5% trên tổng lượng thức ăn; Nếu trên sàng không còn sót thức ăn, cữ ăn tiếp theo tăng thêm 3 kg, giúp tăng trọng lượng trung bình của tôm lên 10 g. Nếu muốn trọng lượng tôm đạt trên 10 g, cần tăng 5 kg thức ăn cho cữ tiếp theo; Nếu sàng còn thức ăn, giảm 20 – 80% lượng thức ăn cho cữ tiếp theo. Trước đó, Gold Coast Marine chỉ giảm 10 – 30% lượng thức ăn khi kiểm tra thấy thức ăn trên sàng vẫn còn sót.
Khoảng cách thời gian giữa các cữ ăn luôn cố định 6 giờ sẽ cung cấp đủ thời gian cho tôm nghỉ ngơi trước khi chuyển sang cữ ăn mới. Nhờ đó, tôm tiêu hóa lượng dinh dưỡng hấp thu từ thức ăn hiệu quả hơn, đẩy nhanh chu kỳ lột xác và tăng trưởng. Người nuôi tôm cũng có đủ thời gian để giám sát quá trình cho ăn, tránh sai sót trong việc thiết lập và kiểm tra sàng ăn. Quá trình kiểm tra định lượng tiêu thụ thức ăn trở nên hiệu quả hơn. Nhiều hộ nuôi đã áp dụng phương pháp quản lý sàng ăn theo cách của Gold Coast Marine để giảm tối đa chi phí nuôi và gia tăng lợi nhuận.
Mỹ – Nuôi tôm siêu sạch
Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng đang lo ngại về chất lượng tôm nhập khẩu, các hộ nuôi tại Mỹ bắt đầu tiến hành nuôi tôm trong nhà, với mục đích tạo ra loại protein hoàn hảo và bền bỉ. Sky 8 Shrimp Farm tại Stoughton, Massachusetts là trang trại đi đầu trong hoạt động này.
Nuôi tôm công nghệ ở Mỹ
Sky 8 Shrimp Farm cách bờ biển 30 dặm, diện tích không lớn nhưng hoạt động hiệu quả nhờ hệ thống máy bơm nước, truyền nhiệt và quạt sưởi với nhiều bể hình tròn, cao 1,8 mét, rộng 3,6 mét, chứa hàng nghìn con tôm thẻ Thái Bình Dương. Chủ trang trại, James Tran và Jimmy Devine cho biết, do nuôi tôm trong nhà, nên nhiệt độ luôn được duy trì ổn định 250C. Một lợi thế nữa của mô hình này là không bị tác động bởi bờ biển, không có sự thất thoát tôm. Trước khi đổ nước biển vào bồn, chủ trang trại tiến hành thử mẫu nước để đảm bảo các khoáng chất và chất rắn trong nước phù hợp. Người nuôi tôm tại Massachusetts đều cho rằng đây là mô hình nuôi thân thiện môi trường. Theo Jimmy Devine, trang trại được vận hành nhờ hệ thống lọc tuần hoàn và biofloc. Tôm được cho ăn bằng bột cá, tảo, cỏ biển. Sau một năm, các chủ hộ nuôi rút sạch nước, sử dụng chất thải làm phân bón nông nghiệp. Hiện tại Sky 8 Shrimp Farm đang nỗ lực nghiên cứu công thức chế tạo thức ăn mới cho tôm có khả năng thay thế bột cá. Trại nuôi này cũng cam kết trước chính quyền địa phương sẽ chịu phạt nặng nếu gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động.
Bình luận gần đây