Nuôi tôm dễ dàng nhờ ao tròn nổi
Mô hình phù hợp
Nuôi tôm trong ao tròn nổi là một trong những mô hình nuôi thủy sản được đánh giá tiên tiến nhất hiện nay. Dù rất mới mẻ nhưng hiệu quả của mô hình cao hơn rất nhiều so với phương thức thông thường.
Ảnh: FRP Việt Nam
Nếu như ao nuôi hình chữ nhật truyền thống có nhược điểm là các góc chết, nơi dòng chảy của nước bị cản trở tạo điều kiện cho chất thải tích tụ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến con nuôi, thì phương pháp này dựa vào lực ly tâm để đẩy và thu gom thức ăn thừa, phân tôm vào giữa ao, giúp người nuôi loại bỏ chất thải rất hiệu quả. Ao có hình tròn nên khi vận hành quạt nước sẽ tạo dòng chảy xoáy hướng tâm mạnh, chất thải được gom vào rốn ao, rất thuận tiện cho việc làm sạch các chất bẩn, hạn chế việc gây ô nhiễm ao nuôi.
Bên cạnh đó, diện tích nuôi ít dẫn đến chi phí đầu tư thiết bị như quạt nước, hệ thống đường ống dẫn… và công chăm sóc cũng thấp hơn nuôi bình thường. Ngoài ra, do nằm nổi trên mặt đất nên không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại hoặc mầm bệnh tích tụ trong đất ngấm ngược vào bể. Giảm vi khuẩn có hại và khí độc từ đó giúp giảm chi phí xử lý nước, dễ dàng quản lý. Mô hình nuôi cũng giúp kiểm soát được lượng thức ăn thừa, nâng cao tỷ lệ sống và nuôi với mật độ cao.
Lắp đặt ở mọi vị trí
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm trong ao tròn nổi đã được triển khai và dần phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước. Chi phí đầu tư ao nuôi không quá cao. Tùy từng hộ nuôi, có người chọn chất liệu là sắt, thép, xi măng, thùng composite, có người chỉ cần làm bằng gỗ, thân cây tre rào lại.
Nhận thấy tiềm năng của thị trường ao nuôi tôm tròn nổi, Thạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, Giảng viên Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã triển khai một dự án lắp ghép các ao tôm từ những vật liệu bền nhẹ.
Vật liệu sử dụng ao nuôi tôm tròn nổi là sản phẩm của đề tài khoa học “Bê tông nhẹ cốt liệu rỗng chịu lực sử dụng Polystyren tái chế kết hợp Cenosphere với Nano Silica và phương pháp chế tạo bê tông nhẹ cốt liệu rỗng”. Được biết, đây là bê tông nhẹ cốt liệu rỗng EPS tái chế kết hợp sử dụng các hạt vi cầu rỗng, nhẹ từ tro bay (Cenospheres) là một loại phế thải trong các nhà máy nhiệt điện và nano silica đạt được các tính chất như có khối lượng thể tích từ 1.000 – 1.600 kg/m3; cường độ nén của bê tông ở tuổi 28 ngày từ 15 – 25 MPa.
Loại bê tông nhẹ cốt liệu rỗng Polystyrene phổ biến hiện nay chủ yếu ứng dụng làm kết cấu bao che, cách âm và cách nhiệt như: Chế tạo các tấm cách nhiệt, các lớp cách nhiệt cho mái đổ tại chỗ, sử dụng làm lớp cách nhiệt trong các panel đúc sẵn, làm khối xây block và vách ngăn tường ngoài, làm lớp lót cách nhiệt.
Mỗi tấm bê tông ghép lại nặng không quá 50 kg, vì vậy, người dân ở vùng sông nước hoàn toàn có thể đặt lên thuyền để chở đi. Chúng có thể tháo lắp dễ dàng như lắp ghép Lego. Đặc biệt, người nuôi cũng có thể di chuyển ao một cách dễ dàng khi gặp sự cố hoặc tìm được một vị trí phù hợp và an toàn hơn.
Các ao tròn bằng bê tông nhẹ có đường kính từ 10 m. Tuy nhiên, theo yêu cầu của người nuôi, có thể mở rộng thành các ao đường kính từ 20 – 40 m. Để có hiệu suất tối ưu, ao 40 m cần ba cánh khuấy để duy trì hàm lượng ôxy hòa tan.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Khánh cho biết, các khối cấu kiện bê tông nhẹ cốt polyme này được chất trong kho sản xuất, sẵn sàng vận chuyển đến các trang trại bất kỳ lúc nào. Quá trình thi công lắp ghép vật liệu lại với nhau ở trang trại cũng tương đối đơn giản, không cần nhân công tay nghề cao. Với ao di động đường kính 10 m, cao 1,5 m có chi phí khoảng 35 triệu đồng, bằng ½ chi phí đào ao mới.
>> “Quan trọng nhất là với hệ thống này, người nuôi tôm kiểm soát được chất lượng nước, giúp tôm phát triển khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh, từ đó cho hiệu suất nuôi cao. Bài toán nan giải nhất với người nuôi tôm hiện nay là xử lý nước thế nào để tôm không nhiễm bệnh đã giải được khi sử dụng ao nổi”, Thạc sĩ Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.
Nguyễn Hằng
Bình luận gần đây