Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản Việt Nam

Việt Nam đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Ảnh: Hồng Vĩnh

Qua đó, sẽ quyết định việc gỡ hoặc không gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Đây là thách thức không nhỏ, đòi hòi nỗ lực lớn của ngành Thủy sản Việt Nam để phát triển bền vững.

Dính “thẻ vàng” – hàng xuất khẩu khó khan

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngày 23-10-2017, lệnh rút “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu có hiệu lực đối với những mặt hàng đánh bắt trên biển của thủy sản Việt Nam. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quốc Hùng cho biết, việc EC áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam là do qua kiểm tra, đánh giá từ phía Liên minh châu Âu (EU), nhiều mặt hàng không xác minh được nguồn gốc; việc khai thác thủy sản bừa bãi, không tuân thủ các quy định về đánh bắt trên biển.

Trong gần 2 năm kể từ khi bị EC rút “thẻ vàng”, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành và địa phương nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quốc Hùng, nhiều vấn đề được EC khuyến nghị vẫn chưa khắc phục xong. 

Đơn cử, hạ tầng neo đậu tránh, trú bão chưa đáp ứng yêu cầu; việc nâng cấp cảng cá, hậu cần nghề cá chưa được quan tâm; việc xác nhận của các lực lượng chức năng đối với các tàu cá ra khơi đánh bắt chưa chặt chẽ, còn bị coi nhẹ; ghi chép báo cáo về hoạt động, địa điểm khai thác mới đạt 21,2%…

Đáng lo ngại là việc khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn diễn ra khá phức tạp. Thống kê của Tổng cục Thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2019 cho thấy, có tới 16 vụ, 26 tàu với 96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. 

Lực lượng biên phòng Việt Nam đã tiếp nhận, điều tra, xác minh 155 ngư dân và 4 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ được trao trả về nước; xử lý vi phạm hành chính 14 trường hợp tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài…

Thực tế, việc bị áp dụng “thẻ vàng” là trở ngại lớn cho xuất khẩu thủy sản khi Việt Nam đang đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu thủy sản. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho rằng, bị áp dụng “thẻ vàng”, 100% lô hàng hải sản Việt Nam vào thị trường EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này ảnh hưởng không tốt trong hoạt động xuất khẩu bởi phát sinh thêm chi phí do thời gian kiểm tra kéo dài cùng nguy cơ rủi ro của doanh nghiệp khá lớn.

Theo thống kê, mỗi năm xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đạt từ 350 đến 400 triệu USD, chiếm 16-17% tổng xuất khẩu hải sản của cả nước. Tuy nhiên, từ khi bị áp dụng “thẻ vàng”, xuất khẩu mặt hàng thủy sản sang EU đã giảm 20-25%…

Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc

Theo dự kiến tháng 6 này, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC sẽ đến Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định. Thời hạn không còn nhiều, đòi hỏi việc khắc phục những khuyến nghị của EC tại các địa phương cần quyết liệt hơn nữa, nhất là trong xử lý, khắc phục tồn tại trong đánh bắt, quản lý khai thác thủy sản trên biển.

Từ thực tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chia sẻ, khó khăn nhất để thực hiện các khuyến nghị từ EC là nhiều ngư dân chưa nhận thức mối nguy hại từ việc đánh bắt thủy sản trái phép. 

Vì vậy, giải pháp khắc phục của thành phố Đà Nẵng là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân trong việc đánh bắt thủy sản hợp pháp.

Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản Lưu Văn Huy cho rằng, đi đôi với tuyên truyền, đối với 28 tỉnh, thành phố có biển cần bố trí nguồn lực, kinh phí để khắc phục tồn tại, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định; có chế tài xử lý với người đứng đầu địa phương khi xảy ra tình trạng này.

Đặc biệt, phải thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, bao gồm cấp phép cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017, bảo đảm 100% tàu cá được cấp giấy phép theo quy định trước tháng 7-2019; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá lớn… 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, để kiên quyết hơn trong xử lý vi phạm, ngày 20-5-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 596/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU), nhằm tăng cường khắc phục “thẻ vàng” của EC. 

Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tích cực tham mưu, tổng hợp, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cấp bách, trọng tâm, trong đó, ưu tiên triển khai thực hiện về chống khai thác IUU; kiến nghị, đề xuất giải quyết các vướng mắc trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU của các bộ, ban, ngành, địa phương khi có vấn đề vượt thẩm quyền. Đây là những động thái quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong việc nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Đỗ Minh

Theo Báo Hà Nội Mới

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *