Nhiều triển vọng xuất khẩu tôm sang Anh

Tận dụng thời cơ 

Với lợi thế về thuế quan từ Hiệp định UKVFTA, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã tạo lập được lợi thế cạnh tranh, so với các quốc gia thương mại khác như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil…, do các nhà cung cấp này chưa ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Vương Quốc Anh. Theo đó, mặt hàng tôm cũng được hưởng lợi từ cam kết theo Hiệp định UKVFTA. 

Cụ thể, về cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi, Hiệp định UKVFTA có cơ chế tiếp nối Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Vì thế, cam kết thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh, đã giảm từ 10 – 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. 

Tôm Việt Nam đang tập trung vào chế biến sâu, để gia tăng giá trị, duy trì thị phần. Ảnh: CTV

Tuy vậy, để được hưởng mức thuế ưu đãi như trong Hiệp định UKVFTA đã cam kết, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, quy định về quy tắc xuất xứ trong UKVFTA tương tự với EVFTA, với tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong UKVFTA là xuất xứ thuần túy. 

Điều này có nghĩa là thủy sản thô, sơ chế và thủy sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam, được coi là có xuất xứ theo Hiệp định UKVFTA, khi nguyên liệu thủy sản dùng trong quá trình sản xuất, có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài Hiệp định. 

Cũng theo đánh giá của Cục Xuất Nhập khẩu, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đã dần thích nghi với những cam kết của Hiệp định UKVFTA. Minh chứng là giai đoạn trước khi thực thi Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này mặc dù có tăng trưởng tốt, nhưng lại tăng, giảm thất thường. Song kể từ sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực (12/2020), hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh tương đối ổn định hơn. 

Tăng trưởng 2 con số 

Theo ấn phẩm “Phát triển thị trường Vương quốc Anh đối với ngành thủy sản”, nhu cầu tiêu thụ thủy sản, nhất là đối với mặt hàng tôm của thị trường Vương quốc Anh rất lớn, thậm chí lớn hơn các thị trường đơn lẻ trong khối EU. Bởi đa phần người dân Vương quốc Anh đều ăn cá hoặc thủy sản ít nhất 1 lần/tuần và tôm là lựa chọn phổ biến, chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ thủy sản tại thị trường này. 

Trong đó, các sản phẩm tôm sú và TTCT đông lạnh, được người tiêu dùng tại Vương quốc Anh ưa chuộng nhiều hơn. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến từ tôm như bột, tẩm bột, bánh ngọt, các sản phẩm chế biến sẵn và nước sốt, sushi cũng được bày bán rộng rãi, nhưng không có tăng trưởng đáng kể. 

Đối với khu vực nhà hàng hay dịch vụ ăn uống, tôm cũng là nguyên liệu khá phổ biến, với khoảng 61% các cơ sở kinh doanh này tại Anh. Ngoài ra, tôm cũng rất được ưa chuộng trong các nhà hàng Ấn Độ, Trung Quốc, với các món cuốn, súp, há cảo, màn thầu… 

Theo các doanh nghiệp ngành hàng tôm ở khu vực ĐBSCL, dự báo sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt trên 5 triệu tấn cho giai đoạn 2022 – 2023, tốc độ tăng trưởng trung bình 5%/năm. 

Hiện nay, tôm Việt Nam đang được duy trì vị thế khá tốt, ở một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Anh. Tôm Việt Nam đang tập trung vào chế biến sâu, để gia tăng giá trị, duy trì thị phần. 

Dự kiến, mức tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành tôm nước ta giai đoạn tới, có thể duy trì mức ổn định khoảng hơn 4 tỷ USD/năm, với tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Anh chiếm khoảng 3,6%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Anh giai đoạn 2022 – 2025, có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương, trung bình khoảng trên 10%/năm. 

Dự đoán này được đưa ra, trong bối cảnh một số cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ đang có sản lượng khá tốt, trong bối cảnh thương mại hàng hóa toàn cầu có nhiều biến động. 

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng 

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa tại Vương quốc Anh, không thể tránh khỏi ảnh hưởng của các yếu tố, tác động từ diễn biến thương mại hàng hóa toàn cầu. Lạm phát đang gia tăng, cũng khiến giá cả các loại hàng hóa vọt lên, trở thành nỗi lo cho người tiêu dùng. Hoạt động nhập khẩu thủy sản cũng bị tác động xấu, do các khó khăn về chi phí, nhất là cước phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh. 

Từ tháng 11/2022, ảnh hưởng của các yếu tố bất ổn trên thị trường hàng hóa toàn cầu, đã phản ánh lên kết quả xuất khẩu ngành hàng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng. 

Tất cả những yếu tố bất lợi nói trên, đã khiến mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam chững lại và rơi xuống mức âm, hiện chỉ đạt khoảng 780 triệu USD, tạo ra nhiều lo ngại cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2023. 

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo: Nhằm duy trì thị phần và tập trung vào chế biến sâu, để xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần hiểu rõ xu hướng tiêu dùng của thị trường này. 

“Người tiêu dùng tại Vương quốc Anh, không chỉ chú trọng tới nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà còn quan tâm đến các yếu tố về lao động, môi trường, hay tính bền vững của chuỗi giá trị, trong sản xuất, chế biến và cung ứng sản phẩm. Các yếu tố cơ bản khác như giá cả, tính tương đồng trong bữa ăn, địa điểm sử dụng, cũng vẫn được quan tâm”, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý. 

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, trong dài hạn, Vương quốc Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần thích nghi với cam kết, yêu cầu của UKVFTA, nên họ sẽ tận dụng những ưu đãi của UKVFTA, để nâng cao tính cạnh tranh tại thị trường Anh. 

Ngọc Diệp

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *