Nhiều tín hiệu tích cực cho sản phẩm cá tra dịp cuối năm

Tính đến thời điểm này, hầu hết các thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam đều tăng sản lượng nhập hàng; trong đó, tăng mạnh nhất vẫn là thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và một số quốc gia ở khu vực châu Á. 

Diện tích nuôi cá ổn định

Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, năm 2021, tổng diện tích nuôi cá tra nuôi thương phẩm của tỉnh An Giang đạt 1.235 ha; trong đó, diện tích liên kết chiếm 87%. Sản lượng ước từ 400.000 – 450.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân và TP Long Xuyên.

Sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay ước đạt 355.842 tấn, bằng 98,79% so cùng kỳ năm 2020. Riêng diện tích đang nuôi cá tra thương phẩm của doanh nghiệp hiện đạt 852,7 ha tại 37 vùng nuôi.

Đặc biệt, tỉnh có 477 ha vùng nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (91 ha theo tiêu chuẩn ASC – Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản và 386 ha đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP) với sản lượng 148.000 tấn/năm; chiếm 32,2% diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh.

Năm 2021, tỉnh đặt kế hoạch sản xuất 10 tỷ con cá tra bột và 2,2 tỷ con cá tra giống cùng 445.000 tấn cá tra thương phẩm. Về cơ bản, đến nay, tỉnh vẫn đang thực hiện tốt kế hoạch sản xuất.

Xuất khẩu tăng trưởng

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh An Giang, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chuỗi sản xuất ngành hàng cá tra trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nhưng những tháng gần đây, một số thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng lạc quan trở lại. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra của tỉnh An Giang đạt 8,73  nghìn tấn, tương đương  21,11 triệu USD; tăng 11,15% về lượng và kim ngạch so với tháng trước; bằng  93,07% về lượng và 94,08% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cá tra của tỉnh An Giang ước đạt 95,50  nghìn tấn, tương đương  231,04  triệu USD; bằng 96,5% về sản lượng và bằng 97,11% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cá tra trong tháng 10/2021 tăng 11,15% là nhờ sự tăng trưởng mạnh của một số thị trường như: Nga tăng 113%, Ai Cập tăng 87%, Brazil tăng 75%, Columbia tăng 65%, Mexico tăng 48,8%, Mỹ tăng 45%… Dự báo nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều quốc gia đang tăng lên, đặc biệt là dịp cuối năm.

Các thị trường nhập khẩu đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, do đó, doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu của tỉnh cần sớm ổn định sản xuất, công suất và đáp ứng tốt hơn đơn hàng đã và sẽ ký kết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để phát triển và chiếm lĩnh thị phần ở các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng như Nga, Ai Cập, Columbia… – ông Hùng khuyến cáo.

Hiện, An Giang đã có kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng với dịch COVID-19 theo 3 kịch bản: dịch bệnh nghiêm trọng, dịch bệnh có thể kiểm soát và trở lại trạng thái bình thường mới. Để không bị thiếu hụt nguồn cá tra giống, An Giang đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp lớn như: Vĩnh Hoàn, Việt Úc, Sao Mai, Nam Việt… để chuẩn bị đàn cá tra bố mẹ, hậu bị ngay từ thời điểm này để đáp ứng nhu cầu con giống cho quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, An Giang tích cực xây dựng các mối liên kết để kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản. Từ tỉnh đến huyện, xã đều thành lập các tổ phản ứng nhanh nhằm hỗ trợ kịp thời việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy sản cho người dân và doanh nghiệp.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *