Nhiều quốc gia trên thế giới: Hoạch định chiến lược phát triển cá tra
Mỹ: Mạnh tay đầu tư
Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất cá da trơn nội địa, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và Đại học Auburn, bang Alabama đã hợp tác thành lập Trung tâm Quản lý Nguồn lợi Thủy sản tại Auburn với kinh phí 9 triệu USD.
Trung tâm nghiên cứu mới được Tổ chức chứng nhận quốc tế LEED công nhận là “công trình xanh”, đặt tại Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản E.W. Shell ở Alabama. Trung tâm có khu vực thí nghiệm rộng 4.403 km2 và tòa nhà quản trị rộng 5.180 km2 nhằm tăng cường cho các trường đại học trong việc đáp ứng các nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, tiếp cận.
Công nhân thu hoạch cá da trơn tại Mississippi, Mỹ – Ảnh: Aquaculturenorthamerica
Indonesia: Hy vọng “bá chủ”
“Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới. 25% sản lượng cá tra tiêu thụ trên thế giới được EU nhập khẩu có nguồn gốc Việt Nam. Tương tự sông Mê Kông, sông Batanghari ở Jambi là khu vực tiềm năng để trở thành một trong những trung tâm nuôi cá tra lớn nhất Indonesia. Tiềm năng khu vực, nguồn tài nguyên cá tra của Indonesia có thể sánh được với Việt Nam. Nếu Indonesia biết tận dụng, trao quyền và sử dụng các tài sản công nghệ sẵn có thì sản xuất cá tra của Indonesia có thể vượt Việt Nam”. Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Nuôi trồng Thủy sản Indonesia Slamet Soebjakto trong chuyến thăm và làm việc tại quận Tanjung Jabung Timur, Jambi.
Ông Slamet nhấn mạnh: “Indonesia có thể trở thành nhà sản xuất cá tra lớn nhất thế giới. Điều này phù hợp chính sách do Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đặt ra, đưa cá tra thành một trong những mặt hàng chủ lực trong công nghiệp hóa ngành nuôi trồng thủy sản. Cơ hội xuất khẩu cá tra cho thấy một khoản lợi nhuận đầy hứa hẹn trong nước cũng như thị trường quốc tế”.
Philippines: Triển vọng tăng trưởng
Năm 2008, Philippines bắt đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam với khối lượng bình quân khoảng 600 tấn/năm, trị giá 1,65 triệu USD. Để giảm nhập khẩu, giải quyết các vấn đề an ninh lương thực, cũng như thực hiện các chương trình dự án tạo việc làm cho người dân, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) giao Dự án phát triển ngành cá tra quốc gia cho Nhóm Phát triển và Điều hành nội địa (RODG) với tổng vốn đầu tư 650 triệu peso (15,8 triệu USD) nhằm mục tiêu đạt doanh thu 945 triệu peso vào năm 2016.
Theo kế hoạch, DTI sẽ xây dựng vùng nuôi cá tra có tổng diện tích 270 ha, tạo 2.700 việc làm và sản xuất 614 tấn cá tra fillet mỗi tháng. Trong thời gian tới, Philippines phấn đấu đưa ngành cá tra nội địa mở rộng ra 15 thị trường mới, tạo liên kết với 8 thị trường, phát triển 38 sản phẩm mới, trong đó có 26 thực đơn, 22 sản phẩm giá trị gia tăng, 3 thương hiệu cho cá tra (La Pangga, Santa Marta và Carm Foods).
Dominica: Nỗ lực phát triển
Chính quyền trung ương Dominica và các cơ quan khoa học đã đồng ý cho Đài Loan thực hiện một dự án xúc tiến tiêu dùng và tiếp thị cá tra trên lãnh thổ Dominica. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy sự phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bằng cách đa dạng hóa các loài nuôi có năng suất cao như cá tra.
Trong cuộc họp chính thức giữa đại diện Ủy ban Nghề cá và Nuôi trồng Thủy sản Dominica (Codopesca), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phái đoàn Kỹ thuật Đài Loan và Viện Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Dominica (IDIAF), hai bên đã quyết định thực hiện chuyến tham quan học tập kỹ thuật tại cơ sở Trạm thí nghiệm Nuôi trồng thủy sản IDIAF để khảo sát loài cá tra trong quá trình sinh sản tại phòng thí nghiệm.
Dự án được Quỹ Hợp tác và Phát triển Quốc tế Đài Loan (ICDF) cấp vốn. Chính phủ Dominica cấp vốn đối ứng. Dự án bắt đầu năm 2012, kéo dài 5 năm và các nhà sản xuất thành viên Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Dominica được hưởng lợi nhiều nhất.
Jamaica: Bắt đầu nuôi thử nghiệm
Nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị các bước cần thiết để bắt đầu sản xuất. Nuôi cá tra thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sản xuất cá rô phi, những người muốn đầu tư để xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.
Đầu năm 2014, Tiến sĩ di truyền học Leroy Santiago giới thiệu ngành công nghiệp có giá trị 1,9 tỷ USD cho các nhà đầu tư tiềm năng, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của Jamaica trong xuất khẩu cá tra. Nhưng đến nay hoạt động sản xuất cá tra ở Jamaica vẫn còn khá mới. Một số nhà đầu tư nói, họ chưa tính được cụ thể chi phí để bắt đầu nuôi cá tra, nhưng vẫn dự định nuôi thử nghiệm hoặc khai thác tiềm năng từ phụ phẩm cá tra. Cá tra nguyên liệu sẽ được dùng để chế biến cá tra fillet (khoảng 40%); lượng phụ phẩm còn lại sẽ được dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi lợn và gia cầm.
>> Một chuyên gia trong ngành đánh giá: Vì thị trường rộng mở nên nhiều nước bắt đầu quan tâm cá tra. Nếu Việt Nam không có chiến lược phát triển với đầy đủ cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ thương hiệu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngôi vị quán quân sẽ mất. Tuy nhiên, quan trọng hơn là phải phát triển vững chắc, giữ vững được thị trường xuất khẩu, bảo đảm hài hòa lợi nhuận cho doanh nghiệp, người nuôi. |
Bình luận gần đây