Nhiều hứa hẹn từ thị trường Hàn Quốc khó tính
Vị thế được khôi phục
Hàn Quốc được xác định là một trong những thị trường xuất khẩu chính các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Thống kê cho thấy, trị giá xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trên 2,4 lần, từ 210,9 triệu USD năm 2006 lên 508,8 triệu USD năm 2012, tăng bình quân gần 19%/năm. Vì nhiều lý do, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới “bùng nổ” mấy năm gần đây. Tuy vậy, năm 2013, Việt Nam chỉ xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc với giá trị 511,85 triệu USD, tăng 0,5% so với năm trước và chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hàn Quốc. Điều này dấy lên lo ngại hàng Việt Nam chịu lép vế trước hàng Trung Quốc, vốn khai thác mạnh mẽ xứ Kim Chi.
“Và niềm vui đã quay trở lại” trong năm 2014. Hàn Quốc đã trở lại vị trí thứ tư trong nhóm nước nhập khẩu của thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2014 đạt khoảng 534 triệu USD, tăng hơn 147 triệu USD so cùng kỳ năm 2013 (387 triệu USD). Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam đã dần lấy lại thế chủ động trên thị trường khó tính này.
Năm 2014, Hàn Quốc đứng thứ tư trong nhóm nhập khẩu thủy sản Việt Nam – Ảnh: An Đăng
Cần phù hợp thị hiếu
Theo lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Việt Nam chưa đáp ứng được thói quen và văn hóa tiêu dùng của người Hàn Quốc nên giá xuất khẩu sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam vào Hàn Quốc còn thấp.
Qua tiếp xúc một số thương gia Hàn Quốc tìm cơ hội làm ăn ở Việt Nam, tôi cũng thấy đặc điểm cơ bản của khách hàng Hàn Quốc là họ tiêu dùng dựa vào thói quen hơn là thị hiếu. Nghĩa là các mặt hàng nhập khẩu vào nơi này càng giống với sản phẩm đang được tiêu thụ, giống với sản phẩm của nước này thì càng bán chạy và được giá. Chính vì vậy mà không phải ngẫu nhiên Hàn Quốc phải nhập khẩu thủy sản từ 100 quốc gia. Bởi họ đã phải tìm những nguồn cung cho sản phẩm thủy sản phù hợp thói quen tiêu dùng truyền thống, thậm chí liên kết sản xuất ra những sản phẩm đúng sở thích của khách hàng xứ Kim Chi, bao gồm trọng lượng, màu sắc, chất lượng và cả thương hiệu. Tính đồng đều cũng là điều khách hàng chú ý; bên cạnh chất lượng, sản phẩm thủy sản phải đạt độ đồng đều cao.
Hàn Quốc rất nhạy cảm với vấn đề ô nhiễm và dư lượng kháng sinh; theo đó, quốc gia này rất quan tâm vấn đề môi trường, công nghệ xanh, sản phẩm sinh học cũng như sự phát triển bền vững nói chung. Do đó, không chỉ sự trừng phạt từ các cơ quan chức năng như ở Nhật Bản mà chính người tiêu dùng sẽ nhanh chóng tẩy chay sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Việt Nam hiện có khoảng 280 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc, đã dần chinh phục được thị trường khó tính và “bảo thủ” này, với những tiêu chuẩn riêng, chủ yếu là vấn đề thói quen và thị hiếu của người tiêu dùng. Khía cạnh văn hóa được xem như chìa khóa để thành công tại Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp cũng thấy thị trường Hàn Quốc khó tính nhưng khá thuần nhất. Khi bạn đã chinh phục được một đối tác nào đó, có nghĩa bạn có thể làm ăn được với nhiều đối tác khác. Bởi vậy, khi đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hình thức, giá cả, việc tiêu thụ hàng hóa lại diễn ra rất ổn định.
Một trong những lợi thế của Việt Nam là có những hiệp định thương mại chặt chẽ với Hàn Quốc; bên cạnh đó, việc xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc còn được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt tại đây, với nhiều người nội trợ. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì Hàn Quốc đã và đang trở thành một thị trường khá ổn định của ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh việc đánh bắt, khai thác tại nước này chững lại.
>> Sản lượng đánh bắt tại các vùng biển lân cận của Hàn Quốc giảm 7,6% và sản lượng nuôi biển giảm 4,4%, ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản Hàn Quốc. Trong khi đó tiêu thụ thủy sản bình quân 54,7kg/người/năm, chủ yếu là cá và thủy sản có vỏ và rong biển. |
Bình luận gần đây